Theo đó, đối với lô hàng thủy sản nhập khẩu dạng xô/xá xếp trong container theo hướng: đối với các DN đã mua bán ngay thẳng, DN cam kết, khẳng định, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc hợp pháp đối với các lô hàng thủy sản nhập khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Cục Thú y chỉ đạo các cơ quan thú y có chức năng thực hiện kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định của pháp luật và các quy định cụ thể tại Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT; Thông tư số 02/2018/TT-BNNPTNT; cam kết về nguồn gốc thủy sản nhập khẩu hợp pháp của DN.
Cũng theo công văn trên, nhập khẩu thủy sản dưới mọi hình thức kể cả nhập khẩu dạng xô/xá xếp trong container về Việt Nam đều phải thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam và cam kết quốc tế. Các DN phải thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm truy xuất nguồn gốc thủy sản, tuân thủ các quy định về hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU).
Trước đó, ngày 19.11.2018, sau khi nhận được Công văn kiến nghị của VASEP, Bộ đã tổ chức cuộc họp với đại diện VASEP cùng 4 doanh nghiệp: HAVUCO, BIDIFISCO, EVERWIN INDUSTRIAL CO.,LTD và HIGHLAND DRAGON, đại diện Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan để xem xét đề nghị của VASEP.
Kiến nghị khẩn thiết của VASEP phản ánh tình trạng nhiều container hàng (chủ yếu là cá ngừ) của các DN hải sản đang bị tắc tại cảng từ ngày 3.11. Ngoài số tiền lưu công, lưu bãi lên tới hàng trăm triệu đồng, một số nhà máy đã ngưng hoạt động và cho công nhân nghỉ làm. Ngoài ra, khách hàng đòi phạt hợp đồng do giao hàng trễ, ảnh hưởng đến uy tín của DN với khách hàng nước ngoài, thiệt hại về lãi suất ngân hàng, không đạt doanh số... Ngoài số container đã và đang ách tại cảng, ước tính có gần 200 container đang trên đường về cảng trong tháng 11 và tháng 12.2018 tới.
Bình luận (0)