Hợp tác cùng chuyên gia Nhật làm nông nghiệp tại Đắk Lắk

02/03/2019 11:13 GMT+7

Khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ, Đắk Lắk đang trở thành điểm đến hấp dẫn của những nhà đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

“Xoạch”, sau tiếng kéo cắt dứt khoát, anh Hiroki Saito người Nhật đưa tôi quả dưa lưới và bảo: “Quả dưa này chất lượng không khác gì dưa ở Nhật Bản. Chúng tôi dùng giống dưa của Nhật, chăm sóc theo quy trình như ở Nhật”. Bổ một quả dưa, chúng tôi bị thu hút bởi màu xanh ngọc tuyệt đẹp và khi đưa lên miệng, ai cũng xuýt xoa bởi mùi thơm nhẹ và vị ngọt thanh tuyệt hảo.
Hiroki tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp tại Nhật Bản, anh sang Việt Nam và đến Tây Nguyên như một cái duyên trời định. Anh đã tư vấn cho bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Tinh Hoa Farm ở thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk từ việc chọn giống, làm bầu cho đến kỹ thuật chăm bón.

Dưa lưới chất lượng Nhật Bản

Đi một vòng quanh nhà lưới, Hiroki giải thích: “Chúng tôi dùng nhà lưới để ngăn côn trùng, không có côn trùng thì không cần đến thuốc trừ sâu. Hệ thống ống tưới cũng được dẫn đến từng gốc cây nên tiết kiệm nước và chúng tôi điều khiển tưới đúng liều lượng cả chất dinh dưỡng và nước qua hệ thống tự động”, anh Hiroki giới thiệu.
Đã hơn một năm nay, bà Nguyễn Thị Huệ hợp tác cùng chuyên gia Nhật để sản xuất dưa lưới chất lượng cao. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, mỗi ngày bà xuất hàng trăm thùng dưa cho khách hàng ở cả TP.HCM và Hà Nội. Chỉ vào những thân dưa đã héo, bà giải thích: “Có chuyên gia Nhật chúng tôi học được nhiều kiến thức, kinh nghiệm để trái dưa ngọt hơn. Bên cạnh đó, việc chọn giống cũng hết sức quan trọng. Hồi đầu chúng tôi phải sang tận Nhật Bản để chọn giống chuẩn mang về trồng tại Việt Nam”.
Bà Huệ vốn chuyên sản xuất, kinh doanh về cơ khí nông nghiệp. Khi nắm được chủ trương của tỉnh muốn thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, bà đã viết dự án, đổ vốn, công sức vào làm. Bà Huệ phân tích: “Đắk Lắk có tiềm năng rất lớn về nông nghiệp, đất đai phì nhiêu, khí hậu ôn hòa. Khi lãnh đạo tỉnh đưa ra chính sách minh bạch, hấp dẫn, chúng tôi tin và mạnh dạn đầu tư. Mình làm nông nghiệp không chỉ mang lại lợi ích cho mình, mà còn tạo ra hình mẫu, tạo ra vùng sản xuất để giúp nhiều người cùng chuyển đổi, cùng sản xuất và làm giàu”.
Để có được Tinh Hoa Farm khang trang như hôm nay, bà Huệ đã được sự hỗ trợ rất kịp thời, hiệu quả của UBND tỉnh Đắk Lắk, cụ thể là của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hai héc ta đất hiện đang canh tác cũng là đất được tỉnh hỗ trợ cho thuê dài hạn. Bên cạnh đó, bà còn phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai dự án chuyển giao công nghệ trồng rau, trồng dưa lưới cho bà con nông dân.
“Sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng trong tỉnh hết sức kịp thời. Tôi nhận thấy Đắk Lắk đã có những việc làm rất cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh”, bà Huệ nói.
Chỉ vào những thùng dưa được đóng gói rất đẹp theo phong cách Nhật, bà Huệ hồ hởi báo tin vui, vừa rồi đoàn Nhật sang kiểm tra và bàn phương án nhập khẩu dưa lưới từ Đắk Lắk bán tại thị trường Nhật.
Dưa lưới được đóng hộp đẹp mắt để làm quà tặng theo phong cách Nhật Bản
Dưa lưới được đóng hộp đẹp mắt để làm quà tặng theo phong cách Nhật Bản

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Câu chuyện thành công của bà Huệ là một ví dụ về việc thu hút, hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Đắk Lắk. Lãnh đạo tỉnh này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai mà còn có chiến lược quảng bá sản phẩm ra thế giới, cà phê là một ví dụ.
Tại Lễ hội Cà phê Buôn Mê Thuột diễn ra vào ngày 9.3 tới đây, tỉnh Đắk Lắk cho tổ chức cuộc thi cà phê đặc sản. Tỉnh mời những chuyên gia cà phê có tên tuổi trên thế giới đến với Đắk Lắk để nếm thử và chấm điểm, sau khi thi xong, cà phê đoạt giải sẽ được đấu giá tại chỗ.
Về mặt truyền thông, đây là cách làm rất thông minh giúp thương hiệu cà phê Đắk Lắk lan tỏa đến cộng đồng quốc tế. Khi đã có thương hiệu, người trồng, chế biến cà phê của địa phương sẽ được lợi nhiều hơn trong chuỗi giá trí, không chỉ là xuất thô cà phê nhân như trước đây.
Ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh đang có chủ trương thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là các loại cây đặc sản.
Trong danh mục dự án thu hút đầu tư tỉnh Đắk Lắk năm 2019, tỉnh kêu gọi thu hút đầu tư 3 dự án về chế biến nông sản, chế biến thức ăn gia súc và nhà máy chế tạo cơ khí tại khu công nghiệp Hòa Phú, TP Buôn Mê Thuột.
Chúng tôi quan niệm: “Tiềm năng của Đắk Lắk, cơ hội của doanh nghiệp”, ông Hải Ninh, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.