Ì ạch cổ phần hóa do sợ trách nhiệm

12/07/2017 07:16 GMT+7

Sáng 11.7, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về tình hình đổi mới và phát triển doanh nghiệp.

Báo cáo thực trạng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN), cho biết giai đoạn 2017 - 2020 sẽ cổ phần hóa (CPH) 137 DN nhà nước (DNNN). Riêng năm 2017, cả nước sẽ phải CPH
45 DNNN. Nhưng 6 tháng đầu năm 2017 mới hoàn thành CPH 6/45 DNNN; công bố giá trị và đang xây dựng phương án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 14 DN; đang tiến hành xác định giá trị của 20 DN. Tốc độ như vậy là quá chậm, đặc biệt TP.HCM kế hoạch hoàn thành 37 DN giai đoạn 2017 - 2020, nhưng 6 tháng năm 2017 chưa CPH được DN nào. Một loạt tập đoàn như VNPT, EVN… vẫn chưa trình đề án. Về bán vốn nhà nước, đến hết quý 2/2017, đã bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại 22 DN với tổng giá trị theo sổ sách là 666,8 tỉ đồng (bằng 76,5% so với cùng kỳ năm 2016), thu về 11.589,3 tỉ đồng (bằng 314,11% so với cùng kỳ năm 2016).
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bế Xuân Trường cho biết trước kia Bộ có 116 DN, sau sắp xếp, CPH và cơ cấu lại nay còn 88. Số lượng DN quân đội đông, do trước đây chủ yếu là các nhà máy, xí nghiệp thực hiện nhiệm vụ sửa chữa vũ khí, đóng tàu cho nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Sau này rộ lên các tổng công ty, công ty 90 - 91. “Mấy ông này thật ra nâng từ xí nghiệp, nhà máy lên công ty. Ngoài nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, còn dư công suất đi xin thêm dự án nên mới đông như vậy”, ông Trường cho biết.
Với khối DN thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho biết quan điểm của Bộ cũng phải sắp xếp lại. Riêng đối với các tổng công ty sẽ sắp xếp làm trước, sau đó rút kinh nghiệm làm rộng rãi.
Lý giải nguyên nhân CPH chậm, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, tư tưởng của nhiều bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty hiện nay đang chờ thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước để chuyển sang. Cũng có tình trạng chậm do văn bản nhưng không phải nguyên nhân chính, chủ yếu do còn e ngại, sợ trách nhiệm, sợ thất thoát tài sản nhà nước.
Ông Hiếu đề nghị dù có thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước thì tốt nhất vẫn phải CPH. “Không ai trăm tay nghìn mắt quản lý được khi đồng vốn rải ra khắp nơi. Khi đã CPH được 35%, vốn từ ngoài vào, đồng tiền đi liền khúc ruột, quản lý sẽ tốt lên”, ông Hiếu nói.
Kết luận buổi làm việc, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá công tác sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ông Huệ chỉ ra hạn chế là tiến độ không đạt yêu cầu, mục tiêu, kế hoạch đặt ra, 578 DN chưa đăng ký niêm yết giao dịch trên sàn chứng khoán theo quy định. Phó thủ tướng yêu cầu: “Dứt khoát phải phấn đấu để hoàn thành kế hoạch CPH, thoái vốn của năm 2017, thậm chí vượt mức số lượng DN CPH, thoái vốn và cả chỉ tiêu thu ngân sách từ thoái vốn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.