Khánh Hòa dồn lực chống kẹt xe

31/10/2017 08:00 GMT+7

Tình trạng kẹt xe tại TP.Nha Trang - trung tâm du lịch lớn của cả nước đang diễn ra hằng ngày, ảnh hưởng không nhỏ đến du lịch. Tìm giải pháp để thoát ra khỏi cảnh kẹt xe đang được tỉnh Khánh Hòa gấp rút tiến hành.

Giao thông nội thành đang quá tải
Hiện nay, tại TP.Nha Trang, tình trạng kẹt xe gây ách tắc giao thông liên tục ở nhiều tuyến đường, nhất là các tuyến đường huyết mạch như Trần Phú, 23.10, Lê Hồng Phong,
2 Tháng 4, khu phố Tây… Theo số liệu thống kê, toàn thành phố hiện có trên 40.000 ô tô thường xuyên hoạt động và trung bình mỗi tháng có 350 xe ô tô được đăng ký mới. Các xe ô tô trên địa bàn đa phần phục vụ cho việc đưa đón khách du lịch. Đại diện một công ty du lịch cho biết, Nha Trang hiện đang “nóng” khách du lịch, kéo theo đó là lượng xe ô tô, người lưu trú để phục vụ cho du lịch tăng rất nhanh nên tình trạng kẹt xe ngày một nghiêm trọng, cần sớm có những giải pháp để chống kẹt xe.
Nhằm giải quyết tình trạng này, Sở GTVT Khánh Hòa đã nhiều lần đề xuất, trong nội ô thành phố không cho phép xe trên 16 chỗ đậu đỗ, chỉ cho phép xe nhỏ trung chuyển du khách vào. Tuy nhiên, do thiếu bãi đỗ xe nên qua nhiều lần bàn bạc vẫn không thống nhất được. Là thành phố có tốc độ phát triển nhanh về du lịch, xe cơ giới không ngừng tăng nhưng hiện Nha Trang chỉ có khoảng
2 ha bãi đỗ xe. Theo dự toán diện tích tối thiểu đến năm 2020, thành phố cần đến 10 ha đất làm bãi đỗ xe. Nhưng khó khăn là đất nằm trong đề án phát triển, tổ chức giao thông đường bộ TP.Nha Trang đến năm 2025 hầu như không thể thực hiện bởi nhiều vị trí đất đã chuyển đổi công năng, hoặc đã quá tải… Riêng chủ trương xây dựng bãi đỗ ngầm tại Quảng trường 2.4 và khu sân bóng Thanh Niên trên đường Trần Phú, đây là dự án rất khó làm vì vốn đầu tư lớn, các nhà đầu tư cũng không mặn mà.
Huy động “đất vàng” chống kẹt xe
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ông Lê Đức Vinh đã nhiều lần “đăng đàn” yêu cầu ngành giao thông và các sở, ngành liên quan tập trung nghiên cứu các giải pháp. Tại một cuộc họp mới đây, ngành giao thông tỉnh kiến nghị ngoài việc hạn chế phương tiện trên 16 chỗ vào thành phố, nhất thiết phải có những bãi đỗ xe quy mô lớn, có vậy mới hạn chế được kẹt xe. Theo một số kiến nghị, bước đầu tỉnh nên huy động một số vị trí đất trung tâm thành phố để làm bãi đỗ xe, trong đó có khoảng 6 ha đất sân bay Nha Trang cũ. Nhưng khi đề xuất này được đưa ra, có nhiều ý kiến cho rằng sân bay cũ là khu “đất vàng” và hiện một số đã được giao cho nhà đầu tư làm dự án, nếu lấy đất ở đây có thể làm xáo trộn quy hoạch. Kết luận cuộc họp, ông Lê Đức Vinh đã đồng ý với đề xuất của ngành giao thông, đồng thời yêu cầu các ngành rà soát lại tổng thể các vị trí đất khác để làm bãi đỗ xe, kể cả những khu đất được cho là “đất vàng”.
Một giải pháp tổng thể khác mà tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện, đó là đấu nối đồng bộ các trục đường chính trong nội thành Nha Trang thông với khu trung tâm đô thị thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang đang được xây dựng trên diện tích đất khoảng 180 ha tại sân bay Nha Trang cũ. Theo đó, sẽ có khoảng 15 nút giao thông được thông tuyến tại khu vực này, đây là giải pháp đồng bộ có thể giúp Nha Trang khơi thông các tuyến huyết mạch bị tắc bấy lâu nay. Ông Phan Văn Vị, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn, cho biết chủ trương lấy “đất vàng” để làm bãi đỗ là cần thiết, bởi thông thoáng giao thông là yếu tố rất quan trọng để thành phố du lịch phát triển. Khi tỉnh Khánh Hòa kêu gọi làm dự án BT (xây dựng - chuyển giao) cho các nút giao thông nói trên, chúng tôi xung phong nhận ngay. “Hiện công ty đang thực hiện nhiều dự án lớn tại Khánh Hòa, trong đó có nhiều dự án giao thông vốn đầu tư rất lớn, nhưng để góp phần cùng tỉnh chống kẹt xe, công ty ưu tiên bố trí hơn 700 tỉ đồng để làm các dự án nút giao thông. Cái chính bây giờ là tỉnh sớm giải phóng mặt bằng để giao doanh nghiệp triển khai. Khu tái định cư tại sân bay Nha Trang cũ, bố trí cho các hộ dân bị giải tỏa để đấu nối các trục đường chính cơ bản đã hoàn thành, chỉ chờ người dân vô nhận đất và xây dựng", ông Vị cho biết thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.