Khốn đốn vì giá vật liệu xây dựng tăng cao

19/03/2008 21:43 GMT+7

Quý 1/2008, giá nhiều loại vật liệu xây dựng (VLXD) tăng đến 30 - 40% so với hồi cuối năm 2007 khiến cho nhiều nhà thầu "sống dở chết dở".

Đau đầu vì phải đàm phán lại

Ông Hồ Lập Phúc - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn (SGC) - cho biết: "Từ đầu tháng 2 đến nay, Hội đồng quản trị và Ban giám đốc SGC rất đau đầu vì giá VLXD ngày càng tăng. Chúng tôi phải cùng với các chủ đầu tư công trình liên tục đàm phán tìm cách tháo gỡ để công trình được tiếp tục thi công đúng tiến độ. Hầu hết các công trình lớn đều được cả hai bên thống nhất theo hướng chủ đầu tư phải bù thêm kinh phí, nhà thầu phải chịu giảm lợi nhuận để chia sẻ trong tình cảnh khốn khó hiện nay. Tuy nhiên, tốc độ thi công đều chậm lại". Ông Hồ Lập Phúc cũng cho biết, trong năm 2007, tổng giá trị nhận thầu của SGC vào khoảng 2.000 tỉ đồng, trong đó đơn vị nhận thầu lớn nhất và cũng là thành viên của SGC là Công ty COFICO đạt giá trị nhận thầu lên đến 1.000 tỉ đồng. Tất cả hiện đều lâm vào tình thế rất khó khăn.

Nhìn vào bình diện chung, ông Phúc lo ngại: "Có nhiều chủ đầu tư các dự án nhà ở đã bán căn hộ hoặc nhà phố từ trước khi giá VLXD tăng, hợp đồng đã ký với khách hàng rất rõ ràng. Bây giờ giá VLXD leo thang nên phải chịu lỗ, kéo theo việc nợ nhà thầu xây dựng không biết lúc nào thanh toán được. Cũng có trường hợp hiện đang xây dựng, mặc dù chưa bán nhưng tình hình thị trường bất động sản đang biến động, không biết có bán được nhà để trả nợ cho nhà thầu được hay không, vậy là xảy ra hiện tượng nợ dây chuyền: chủ đầu tư nợ nhà thầu, nhà thầu lại nợ các đơn vị cung ứng VLXD...". Ông Phúc than: "So với quý 4/2007, mức giá VLXD ở quý 1/2008 tăng từ 30 - 40%. Chưa có thời kỳ nào giá VLXD tăng khủng khiếp như vậy. Mọi tính toán hầu như bị đảo lộn tất cả".

"Điều vô cùng gay go với nền kinh tế là thị trường xây dựng gần như đang chững lại, kéo theo rất nhiều hệ lụy khác. Nhà máy sản xuất xe ô tô mà không xây dựng được thì làm gì có ô tô xuất xưởng, bệnh viện không xây dựng được thì lấy cơ sở đâu để chữa bệnh cho nhân dân, nhà máy nước bị ngưng lại không được triển khai xây dựng thì lấy nước đâu để sinh hoạt... Ngoài ra, chỉ tính riêng tại TP.HCM có khoảng 7.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, có hàng trăm nghìn công nhân làm nghề xây dựng. Bây giờ bị mất công ăn việc làm thì họ sống bằng gì? Tất cả những điều này đang là vấn nạn rất lớn đối với kinh tế - xã hội của đất nước". 

Ông Dương Công Khanh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp xây dựng TP.HCM

Tình hình lại càng khó khăn hơn ở Công ty cổ phần nước và Môi trường (WACO). Ông Phạm Trà - Tổng giám đốc công ty này cho biết: "Hiện tại chúng tôi nhận làm tổng thầu một số công trình lớn như Nhà máy nước Kênh Đông tại huyện Củ Chi (TP.HCM) với giá trị nhận thầu trên 1.000 tỉ đồng để xây dựng nhà máy có công suất 200 ngàn m3 nước/ngày. Đang chuẩn bị thi công thì lại gặp ngay khó khăn do giá VLXD tăng, mà công trình này không thể chậm tiến độ vì sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Hoặc công trình nâng cấp toàn diện Nhà máy nước Ninh Thuận từ 12 ngàn m3/ngày lên 52 ngàn m3/ngày với tổng vốn đầu tư hơn 15 triệu USD cũng là vốn vay của ADB, công trình nhà máy nước cung cấp cho 9 thị trấn ở Bình Định với tổng vốn gần 10 triệu USD vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Tất cả các công trình này liên quan đến quốc kế dân sinh nhưng hiện nay nhà thầu và các đơn vị trực tiếp thi công cũng lâm vào tình thế khó khăn. Do đây là những gói thầu mang tính quốc tế nên không ai dám bỏ, mà triển khai xây dựng thì rất khó do phải tính toán vốn liếng trong cơn "bão" giá VLXD".

Đâu là lối thoát? 

Ông Phạm Trà khẳng định: "Công trình chúng tôi không thể dừng lại, vì vậy trong nội dung các hợp đồng ký kết giữa các bên, chúng tôi đều yêu cầu phải được điều chỉnh giá theo từng thời điểm thích hợp khi Nhà nước ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn về giá VLXD áp dụng với từng loại công trình sử dụng vốn ngân sách, vốn vay quốc tế... Tôi cũng kiến nghị Nhà nước nên sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề giá và nhất là không để bị động như thời gian qua". Một số nhà thầu các công trình nhà ở tư nhân như các Công ty An Lập Thành (Q.Bình Tân), Thuận Tiến (Q.Bình Thạnh)... đều khẳng định dứt khoát: "Lối thoát của chúng tôi trong bối cảnh giá VLXD như hiện nay là chỉ nhận thi công, không nhận khoán gọn các công trình. Chủ đầu tư công trình nào không tự xoay xở VLXD thì chúng tôi không nhận thi công".

Ông Hồ Lập Phúc thì vẫn kiên trì với phương châm: đàm phán, đàm phán và đàm phán. Ông cho biết: "Hầu hết chủ đầu tư các công trình lớn mà SGC nhận thầu đều nhận thức được tình hình hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề vay vốn ngân hàng để đầu tư các công trình xây dựng ngày càng khó khăn, lãi suất vay quá cao cũng khiến cho một số chủ đầu tư lâm vào bế tắc. Vì vậy, đây là lúc cần ngồi lại với nhau và chia sẻ khó khăn. Mặt khác, chúng tôi cũng đặt ra yêu cầu với các đơn vị thành viên là phải thăm dò tiềm lực tài chính của chủ đầu tư trước khi ký hợp đồng, ví dụ như có được ngân hàng bảo lãnh hay không, soạn thảo hợp đồng thật chặt chẽ…".

Ngoài các biện pháp đàm phán, thương lượng của các công ty xây dựng, ông Dương Công Khanh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp xây dựng TP.HCM, cho rằng: "Đây là thời điểm vô cùng khó khăn, vì vậy bằng sức mạnh quản lý của mình, Nhà nước cần tung ra “những quả đấm chiến lược" để điều chỉnh giá VLXD nhằm cứu vãn thị trường xây dựng. Đến nay, tôi thấy Nhà nước vẫn chưa có những biện pháp tác động mạnh đối với thị trường này như đã có biện pháp tác động đến thị trường bất động sản. Chẳng hạn, các tổng công ty lớn có khả năng cung ứng VLXD với số lượng lớn cho thị trường như xi -măng, sắt thép… đều nằm trong tầm quản lý của Nhà nước. Tại sao không thể có những quyết sách để giảm nhiệt thị trường, bình ổn giá VLXD?".

 Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.