Đó là nội dung được quy định tại Thông tư 18/2019 vừa có hiệu lực được kỳ vọng giảm tình trạng đòi nợ kiểu “khủng bố”.
Không được nhắc nợ sau 21 giờ
Thực tế vừa qua tình trạng nhắc nợ, đòi nợ của CTTC mang tính “khủng bố”, đe dọa khách hàng diễn ra tràn lan. Đơn cử như gọi điện thoại lúc 1 - 2 giờ sáng hay đăng lên Facebook, đòi nợ người thân hay bạn bè của người đi vay... Đây là các hình thức vi phạm dân sự đến quyền riêng tư, cũng như không đảm bảo bí mật thông tin của khách hàng.
“TT 18 là một trong những cơ sở pháp lý để các cơ quan khác có thể thực hiện công tác quản lý của mình liên quan đến hoạt động CTTC. Chẳng hạn khi có trường hợp khiếu kiện về hình thức, thời gian đòi nợ không đúng quy định này thì các cơ quan sẽ căn cứ vào đó để xử lý ngay. Trong quá trình thực hiện có thể một số đơn vị cũng lách luật, nhưng tùy tình hình cụ thể sẽ có thêm các giải pháp khác”, luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.
Ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Basico, cho rằng các nước trên thế giới cũng có những quy định tương tự và họ còn đi vào chi tiết như được nhắc nợ vào ngày nào, chứ quy định hiện nay chưa đề cập dù có vào ngày nghỉ, lễ, tết... Dù người vay dẫn đến mất khả năng trả nợ, phá sản cũng không thể “khủng bố”, đe dọa như thời gian qua, kể cả bà con họ hàng của người đi vay cũng phải hứng chịu.
Tuy nhiên, luật sư Đức lo ngại quy định này áp dụng vào thực tế, đặc biệt là việc chế tài xử lý sẽ vô cùng khó. Chẳng hạn, những số điện thoại nhắc, đòi nợ không phải của công ty mà do cá nhân hay tổ chức khác thực hiện, điện cho người vay và bạn bè, người thân đòi nợ thì ai sẽ đứng ra giải quyết, nếu không thì quy định vô tác dụng. Quy định hình thức, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận, nhưng người vay lúc nào cũng ở thế yếu, chấp nhận hay không chứ làm gì có thể thỏa thuận được với CTTC.
Lo ngại biến tướng, lách quy định
Theo số liệu công bố của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (thuộc Bộ Công thương), trong tháng 9 có gần 700 phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về các dịch vụ cần được hỗ trợ, trong đó nhóm có tỷ lệ khiếu nại nhiều nhất thuộc lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, ngân hàng với tỷ lệ chiếm đến 35%. Đáng chú ý, có đến 32% người tiêu dùng phản ánh về việc thông tin liên hệ của mình bị đơn vị thu hồi nợ tự động sử dụng để gọi điện, nhắn tin với mục đích quấy rối, đe dọa thu nợ, có người bị khủng bố dù không có khoản vay tại đơn vị liên quan, có người còn bị thu nợ nhầm.
|
Cùng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học - kinh tế ứng dụng, đặt vấn đề: “Có thể sẽ diễn ra một số hình thức “lách” quy định mới khác nhau, trong đó phổ biến nhất có thể các CTTC sẽ ký hợp đồng với các công ty dịch vụ đòi nợ thuê để thực hiện hoạt động nhắc nợ, đòi nợ. Trong hợp đồng với công ty đòi nợ, CTTC cũng sẽ đưa ra phương thức thực hiện theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nếu các công ty đòi nợ có vi phạm như nhắc nợ hơn 5 lần/ngày, gọi điện thoại ngoài 21 giờ hay thậm chí vẫn gọi người thân, bạn bè... CTTC cũng dễ dàng chối bỏ trách nhiệm”.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, khó nhất hiện nay là không có hợp đồng mẫu, người vay là cá nhân khó có thể biết được những quy định nào nên và không nên. Do đó, cần có hợp đồng mẫu cho vay cá nhân để bảo vệ người vay. Ngoài ra, cần có quy định chung về các hình thức đòi nợ, nhắc nợ cho tất cả các hình thức cho vay trong xã hội chứ không riêng gì CTTC. Quy định tại TT 18 chỉ có hiệu lực với các CTTC, còn những hoạt động cho vay, đòi nợ của những doanh nghiệp, cá nhân khác như cầm đồ, cho vay ngang hàng... lại không thấy đề cập. Như vậy, khi các CTTC thuê công ty khác đòi nợ, vi phạm những quy định tại TT 18, thì Ngân hàng Nhà nước cũng không thể xử lý những công ty đòi nợ thuê vì không quản lý những đơn vị này. Do đó, muốn giảm tình trạng khủng bố đòi nợ trong xã hội thời gian qua cần có những quy định chung, áp dụng cho mọi doanh nghiệp, cá nhân.
Bình luận (0)