Không vì thiếu cát mà dung túng 'cát tặc'

25/04/2019 06:55 GMT+7

Định hướng phát triển thành khu du lịch tầm cỡ khu vực và thế giới, nhưng Cần Giờ (TP.HCM) đang đối mặt với nạn cát tặc không những gây mất an ninh trật tự mà còn nguy hiểm đến tính mạng người dân.

Nhu cầu sử dụng cát trong xây dựng, xuất khẩu ngày càng tăng, kéo theo nạn “cát tặc” ngày càng lộng hành và manh động. Để hạn chế tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng phải hình sự hóa tội khai thác và buôn bán cát trái phép.

Xử lý hình sự

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, trên các tuyến sông thường xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Đồng Tranh, sông Soài Rạp, sông Long Tàu và trọng tâm là khu vực biển Cần Giờ. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường công tác tuần tra kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi khai thác cát trái phép và hành vi kinh doanh, vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp. Các tỉnh sẽ xây dựng phương án phòng chống, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông, rạch và trên vùng biển Cần Giờ.
Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND H.Cần Giờ, kiến nghị để phòng chống “cát tặc” cần cho phép cơ quan công vụ sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ (ghi hình) để làm cơ sở chuyển cho cơ quan điều tra xử lý hình sự trong lĩnh vực khai thác cát. Thành ủy, UBND TP.HCM chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.HCM sớm xây dựng chốt canh 24/24 giờ tại các điểm nóng nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép kết hợp với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tìm kiếm cứu nạn trên biển Cần Giờ.
Đại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.HCM, kiến nghị cần sửa đổi luật xử lý vi phạm hành chính theo hướng tịch thu phương tiện vi phạm trong trường hợp phương tiện đó đã bị xử lý vi phạm nhưng tiếp tục tái phạm (kể cả phương tiện cho thuê mướn) nhằm gắn trách nhiệm của các chủ phương tiện. Điều này nhằm hạn chế việc cá nhân, tổ chức lợi dụng kẽ hở của pháp luật “bắt tay” làm hợp đồng giả để hợp thức hóa hồ sơ khi bị bắt giữ phương tiện. Theo quy định hiện nay, cơ quan chức năng không thể tịch thu phương tiện vi phạm nếu phương tiện đó không thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức vi phạm.
Không chỉ thế, đại tá Tô Danh Út đề nghị cần tăng mức phạt tiền đối với hành vi khai thác cát trái phép và phân cấp thành nhiều mức phạt khác nhau, chứ không chỉ quy định mức khai thác trái phép tối đa bị xử phạt từ 50 m3 trở lên. Ngoài ra cần bổ sung hình thức khắc phục hậu quả vi phạm: Không tịch thu, phát mại mà yêu cầu cá nhân, tổ chức vi phạm phải vận chuyển số cát, sỏi đã khai thác trái phép để lấp trả lại nguyên trạng tại vị trí đã khai thác.
Trong khi đó để chống “cát tặc”, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, đã có hẳn một đề án phòng chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa TP.HCM với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An, Tiền Giang..., trình UBND các tỉnh thành liên quan tham gia góp ý và triển khai.

Tro xỉ là vật liệu thay thế

Một trong những lý do quan trọng khiến nạn cát tặc ngày càng lộng hành do khan hiếm vật liệu xây dựng, nhất là cát san lấp. Theo KTS Trần Tuấn, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy từ rất lâu họ đã ít sử dụng cát trong hoạt động xây dựng mà bắt đầu sử dụng tro xỉ, tro trấu... làm vật liệu san lấp, làm ổn định nền móng, đất nền, làm gạch ốp lát, gạch xây, gạch lót đường, làm bê tông xi măng... Những vật liệu này sử dụng làm vật liệu xây dựng còn tốt hơn sử dụng cát vì giúp công trình giảm co ngót, giảm ăn mòn, tăng độ chống thấm...
Ngoài ra, có thể sử dụng xà bần làm vật liệu thay thế cát. Điển hình như ở châu Âu mỗi năm các nước khu vực này thải ra khoảng 380 triệu tấn xà bần. Số lượng xà bần này được phân loại ra gạch, đá, bê tông và sau đó sẽ được nghiền nát để tạo thành vật liệu mới gọi là bê tông tái chế. “Ở VN, những vật liệu như tro xỉ, tro trấu, xà bần có thể dễ dàng tìm kiếm. Đây là nguồn thải công nghiệp tương đối phổ biến hiện nay. Nếu đem đổ đi, thải ra ngoài môi trường có thể gây ô nhiễm. Tuy nhiên, nó có thể được sử dụng để thay thế cát tự nhiên”, ông Tuấn cho hay.
Các chuyên gia xây dựng cũng khẳng định, không thể vin vào lý do thiếu cát để dung túng cho nạn cát tặc. Trong bối cảnh cát tự nhiên khan hiếm và việc khai thác cát tác động tiêu cực đến môi trường, cuộc sống của người dân, nhiều nước đã sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên. Điển hình tại Ấn Độ, trong 20 năm qua nước này đã dùng đá xanh, đá granite nghiền nát để làm cát nhân tạo. Loại cát này có ưu điểm vượt trội so với cát tự nhiên cho phép tiết kiệm xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình... Đặc biệt giá thành của cát nhân tạo chỉ từ 2/3 hoặc 1/2 so với cát tự nhiên. Tại Nhật Bản, hiện các công trình xây dựng hoàn toàn sử dụng cát nhân tạo. Trong khi đó, hơn 70% lượng cát sử dụng trong ngành xây dựng tại Trung Quốc là cát nhân tạo.
Ở VN hiện cũng đã sản xuất được cát nhân tạo từ đá, dần thay thế cát tự nhiên nên càng phải quyết liệt xử lý "cát tặc" để bảo vệ môi trường cũng như tạo điều kiện cho ngành sản xuất vật liệu thay thế cát phát triển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.