Tuy nhiên tác động này có lẽ không quá trầm trọng như cảm nhận của nhiều người. Hơn nữa, từ cái nhìn trung và dài hạn về kinh tế Mỹ tương đối lạc quan như đã nói thì nhiều nước Á châu cũng chỉ bị ảnh hưởng trong thời gian 1-2 năm trước mắt. Mặt khác, với lượng dự trữ ngoại tệ rất lớn, nhiều nước Á châu sẽ có tiếng nói mạnh hơn trong quan hệ với Mỹ và trong các diễn đàn quốc tế bàn về ổn định kinh tế thế giới.
Trước hết, Á châu chịu ảnh hưởng lớn nhất có lẽ là thị trường chứng khoán. Chứng khoán ở Mỹ tụt dốc gây nên tâm lý bất an giữa những nhà đầu tư tại Á châu và thị trường chứng khoán của những nước này cũng suy sụp theo. Tài sản của các cá nhân đầu tư chứng khoán bị giảm sút làm giảm khả năng chi tiêu trong dân kéo theo sự đình đốn trong sản xuất. Tuy nhiên hiệu quả này chỉ mạnh trong các nền kinh tế tiên tiến trong đó thị trường chứng khoán đã phát triển đáng kể như Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan.
Một số ngân hàng, một số các công ty chứng khoán, bảo hiểm ở các nước Á châu đang nắm giữ những chứng khoán do Fannie Mae và Freddie Mac phát hành nên phải chịu tổn thất trong cuộc khủng hoảng ở Mỹ. AIG cũng là công ty hoạt động toàn cầu, có mặt tại các thị trường lớn ở Á châu nên cũng gây những ảnh hưởng tương tự ở nhiều mức độ khác nhau đến các ngân hàng hoặc công ty tài chính châu Á. Không có tư liệu cụ thể để có thể đánh giá chính xác về ảnh hưởng này. Nhưng ảnh hưởng này chỉ giới hạn trong một số công ty, một số ngân hàng chứ không lớn đến nỗi ảnh hưởng tới cả nền kinh tế các nước Á châu, nhất là những nước chưa phát triển ở trình độ cao. |
Trong tình hình đó, nội nhu sẽ đóng vai trò quan trọng hơn. Mỹ cũng sẽ yêu cầu các nền kinh tế lớn ở Á châu như Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc chuyển hướng chính sách tăng nội nhu. Đồng tiền các nước này, nhất là đồng nhân dân tệ sẽ lên giá.
Nội nhu có lẽ không tăng đủ để bù vào chỗ giảm sút trong xuất khẩu nên tăng trưởng kinh tế tại Á châu sẽ giảm tốc. Tuy nhiên không thể có chuyện suy sụp như ở Mỹ.
Nhìn ở một mặt khác, cuộc khủng hoảng ở Mỹ sẽ làm tăng tiếng nói và vị trí của các nước Á châu trong quan hệ với Mỹ và trong các nỗ lực quốc tế nhằm ổn định thị trường tiền tệ và kinh tế thế giới. Với lượng dự trữ ngoại tệ rất lớn (Trung Quốc là 1.540 tỉ USD, đứng đầu thế giới; Nhật xếp vị trí thứ hai với 954 tỉ USD, Hàn Quốc 240 tỉ), các nước Á châu này sẽ có thể dễ dàng mua nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ, tham gia sở hữu nhiều công ty tài chính của Mỹ và tích cực xuất vốn cho các dự án giúp những nước gặp khó khăn về ngoại tệ. Hiện nay Nhật đã bắt đầu cho thấy vai trò đó. Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFG của Nhật đã mua 21% cổ phiếu của Morgan Stanley, Tập đoàn Nomura đã mua một số cổ phiếu của các cơ sở hoạt động của Lehman Brothers tại châu Á, châu u và Trung Đông. Bộ trưởng Tài chính Nhật vừa đưa đề án yêu cầu IMF đứng ra lập quỹ hỗ trợ các nền kinh tế gặp khó khăn và hứa sẽ đóng góp tích cực.
Ảnh hưởng đối với Việt Nam
Khủng hoảng tài chính Mỹ ít tác động tới thị trường chứng khoán VN - Ảnh: D.Đ.Minh |
Đầu tư trực tiếp (FDI) ở Việt Nam có lẽ cũng không bị ảnh hưởng nhiều từ cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Mỹ. Các nhà đầu tư chính ở Việt Nam là Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan... Ngay cả những công ty chế tạo của Mỹ nếu có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam cũng sẽ không vì cuộc khủng hoảng này mà đình hoãn kế hoạch đó. Kinh nghiệm của thập niên 1990 cho thấy kinh tế Nhật suy thoái hầu như không ảnh hưởng gì đến FDI của họ ở Trung Quốc và Việt Nam. Kinh nghiệm của Intel tại Việt Nam cũng cho thấy công ty này chậm triển khai kế hoạch đầu tư ở nước ta chủ yếu vì không bảo đảm được nguồn nhân lực có trình độ cao cần thiết. Thành ra, để tiếp tục tiếp nhận FDI từ Nhật, Mỹ và nhiều nước khác, Việt Nam cần hoàn thiện các điều kiện về nguồn nhân lực, cơ sở hậu cần, xây dựng công nghiệp phụ trợ...
Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nhất từ cuộc suy thoái của Mỹ có lẽ là ở lĩnh vực xuất khẩu. Hiện nay Mỹ chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng phần lớn sản phẩm của ta xuất khẩu sang Mỹ là hàng may mặc, giày dép và hàng thủy sản nên trước mắt chỉ những mặt hàng này gặp khó khăn. Dù Mỹ không gặp khủng hoảng, việc tập trung xuất khẩu một số mặt hàng nhất định sang Mỹ dễ gây va chạm với các nhà sản xuất bản xứ. Vấn đề của Việt Nam là phải nỗ lực chuyển dịch cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu theo hướng cao cấp hơn, đa dạng hơn. Trong thời gian truớc mắt, Việt Nam nên củng cố sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp để khi kinh tế Mỹ hồi phục sẽ triển khai chiến lược xuất khẩu với nhiều mặt hàng đa dạng hơn.
Việt Nam cũng cần rút ra các bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ. Nếu để hệ thống tiền tệ phát triển tự phát với sự xuất hiện các công cụ tài chính càng tinh vi, phức tạp thì càng khó quản lý. Thị trường chứng khoán phải được phát triển từng bước và phải có đủ cơ chế công khai thông tin và việc thực thi các luật lệ phải có tính minh bạch. Phát triển thị trường tài chính một cách vội vàng sẽ dễ phát sinh khủng hoảng. Đối với Việt Nam hiện nay, mục tiêu tối thượng của hệ thống tiền tệ là phải làm sao góp phần tăng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu sản xuất và xuất khẩu, huy động vốn trong dân và giúp những doanh nghiệp tiếp cận với vốn. Thêm vào đó, hệ thống tiền tệ phải hoàn toàn nằm trong khả năng quản lý, giám sát của Nhà nước. Để được như vậy, phải ưu tiên củng cố hệ thống ngân hàng, làm cho ngân hàng trở thành nơi tin cậy và gần gũi với dân chúng là những người gửi tiết kiệm, là những nhà đầu tư. Phải tạo cơ chế để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được với vốn thì mới có thể xúc tiến đầu tư phát triển, tạo công ăn việc làm, góp phần tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trần Văn Thọ - Trần Lê Anh (*)
(*) Tác giả Trần Văn Thọ: Giáo sư Kinh tế, Đại học Waseda, Tokyo (Nhật Bản), hiện đang nghiên cứu ở Đại học Harvard, Cambridge.
Tác giả Trần Lê Anh: Phó giáo sư Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Lasell, Boston (Mỹ).
Bình luận (0)