Khủng hoảng tài chính Mỹ và những ảnh hưởng

18/10/2008 01:27 GMT+7

Bài 3: Kinh tế Mỹ sẽ đi về đâu? Với các biện pháp giải cứu khủng hoảng tài chính như đã nêu ra trong phần trước, liệu kinh tế Mỹ có thể nhanh chóng khắc phục những khó khăn để trở lại con đường tăng trưởng ổn định? Vấn đề này cần đưa ra hai tầm nhìn: ngắn hạn và dài hạn.

Ngắn hạn

Trong ngắn hạn, từ nay đến cuối năm 2009, chắc chắn kinh tế Mỹ không tránh khỏi suy thoái trầm trọng. Dù được chính phủ bơm tiền vào các ngân hàng thương mại và mua các chứng khoán chỉ còn ít giá trị, hệ thống tín dụng không thể hoạt động bình thường lại ngay.

Hơn nữa, các nhà đầu tư vẫn còn hoang mang cao độ do chưa biết rõ hết mức độ nghiêm trọng của sự mất mát.  Họ nghĩ rằng tin xấu rồi sẽ lần lần hiện ra nữa. Do đó, thái độ hiện tại và trong tương lai gần sẽ là tìm giải pháp đầu tư an toàn và dò xét các phản ứng của thị trường cũng như sự thực thi các biện pháp cứu nguy của chính phủ.

Tâm lý sợ hãi hiện đang bao trùm lĩnh vực tài chính. Các ngân hàng rất dè chừng trong việc cho vay, làm ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp và đến khả năng chi tiêu của dân chúng đối với các hàng hóa lâu bền như xe hơi. Mặt khác, cổ phiếu mất giá và giá bất động sản giảm mạnh, giá trị danh nghĩa của tài sản người dân giảm mạnh theo và do đó tiêu dùng trong dân đang và sẽ giảm mạnh. Sự đình trệ cả hai mặt cung và cầu sẽ làm kinh tế Mỹ suy thoái nặng.

Vì các yếu tố đó, các dự báo về kinh tế Mỹ đều cho thấy những con số khá bi quan. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2008 kinh tế Mỹ phát triển 1,6% và năm 2009 gần như không tăng trưởng (0,1%). Nếu xét từng quý thì tình huống trước mắt trầm trọng hơn.

Theo thăm dò của Wall Street Journal (9.10), đa số các nhà kinh tế đều bi quan cho rằng Mỹ đang ở giữa đường hầm, kinh tế trong quý 3 và quý 4 của năm 2008 và quý 1 của năm 2009 đều tăng trưởng ở số âm. GDP liên tục giảm trong 3 quý là hiện tượng chưa có trong nửa thế kỷ qua. Mặt khác, nếu dự báo của IMF có cơ sở thì từ nửa sau năm 2009 tình huống bắt đầu được cải thiện. Tuy nhiên, nhìn chung không khí hiện nay bi quan hơn dự báo của IMF.

Dài hạn

Nhìn vấn đề trong tương lai xa hơn, hiện nay có nhiều đánh giá khác nhau.
Theo những ý kiến bi quan, tình hình của Mỹ hiện nay giống với cuộc đại khủng hoảng trong thập niên 1930 hoặc giống với thời kỳ suy thoái của Nhật trong thập niên 1990. Đại khủng hoảng thập niên 1930 làm cho Mỹ mất 10 năm mới đưa mức sản xuất trở lại thời trước khủng hoảng. Nhật cũng mất hơn 10 năm mới ổn định được hệ thống tín dụng và khôi phục nền kinh tế. Từ các so sánh này, nhiều người lo là sự suy thoái hiện nay của kinh tế Mỹ có thể kéo dài tới 10 năm.

Tuy nhiên, so với đại khủng hoảng thập niên 1930, các đối sách của Mỹ hiện nay không đơn độc mà có sự hợp tác của những nền kinh tế lớn vì sự tùy thuộc vào nhau, nhất là thị trường tài chính đã lên cao độ, Mỹ sụp đổ sẽ kéo theo sự bất ổn ở các nền kinh tế khác. Hiện nay việc hợp tác đã bắt đầu trong chính sách lãi suất.

Ngày 9.10 vừa qua, cùng với Mỹ, ngân hàng trung ương của các nước lớn giảm lãi suất ngắn hạn hàng loạt (Mỹ còn 1,5%, khối Euro 3,75%...).  Riêng Nhật lãi suất đã ở mức quá thấp (0,5%) nên kỳ này không thay đổi. Nỗ lực này có mục đích giảm phí tổn điều động vốn của ngân hàng, giảm phí tổn vay vốn của doanh nghiệp và người tiêu thụ nhằm kích thích sản xuất và chi tiêu. Trong những ngày tới, nếu cần, các nước sẽ can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối để tránh sự biến động đột ngột trong tỷ giá các đồng tiền chính.

Thêm vào đó, khác với thập niên 1930, hồi đó Mỹ và nhiều nước khác đều gặp khó khăn ở mức độ gần như nhau, hiện nay kinh tế thế giới ngoài Mỹ phát triển khá mạnh. Năm 2007, tăng trưởng ở Mỹ chỉ có 2% trong khi thế giới là 5%. Theo dự báo của IMF, năm 2008 Mỹ tăng trưởng 1,6% trong khi thế giới 3,9%.

Cùng với cơ chế hợp tác đã có của các nước lớn, sự năng động của kinh tế thế giới là điều kiện về thị trường giúp kinh tế Mỹ mau hồi phục. Hiện nay tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ độ 6%, có thể sẽ tăng lên trong năm 2009 nhưng, với các lý do vừa nói, không thể có chuyện tăng lên tới mức 25% của thập niên 1930.

Một điểm nữa là chính phủ ngày nay đóng vai trò quan trọng hơn và hiệu quả hơn vì có các cơ chế làm dịu tác động của khủng hoảng so với thập niên 1930. Thời xưa chưa có Cục Dự trữ Liên bang và cơ quan lo về chế độ bảo hiểm tiền gửãi tiết kiệm (FDIC). Để giảm sự lo âu cho những người gửi tiết kiệm ở ngân hàng với số tiền lớn, chính phủ đã nâng mức bảo hiểm số tiền gửãi từ 100.000 USD lên 250.000 USD trong đầu tháng 10 này. 

So với Nhật vào thập niên 1990, tình hình của Mỹ hiện nay cũng khác ít nhất ở hai điểm. Thứ nhất, thị trường bất động sản của Nhật cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 tăng nhanh đến mức quá cao một cách bất thường, hình thành nền kinh tế bong bóng quá lớn nên khi nổ tác động rất mạnh đến hoạt  động sản xuất và tiêu thụ.

Tình hình của Mỹ hiện nay phức tạp hơn do các công cụ đầu tư tinh vi, khó kiểm soát, nhưng riêng về giá bất động sản, sự biến động tăng giảm không lớn lắm so với Nhật Bản 15 năm trước. Thứ hai, trong thập niên 1990 Nhật bị giảm phát (deflation) nặng nên lãi suất danh nghĩa giảm đến gần số không nhưng lãi suất thực vẫn cao. Hiện nay Mỹ lạm phát vài phần trăm nên dễ dùng chính sách tiền tệ kích thích sản xuất hơn Nhật hồi thập niên 1990.

Các yếu tố làm cho kinh tế Nhật hồi phục từ năm 2003 cũng cho thấy những gợi ý cho khả năng hồi phục của kinh tế Mỹ hiện nay. Một mặt Nhật can thiệp tích cực vào thị trường ngoại hối giữ cho đồng yen ở mức thấp, nhờ đó đẩy mạnh xuất khẩu. Mặt khác, chính phủ bơm tiền vào ngân hàng, giải quyết vấn đề thiếu vốn cho vay.

Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng cao suốt cả một giai đoạn dài góp phần tăng ngoại nhu để kinh tế Nhật chóng hồi phục. Cả 3 yếu tố này ngày nay cũng có thể thấy trong trường hợp của kinh tế Mỹ. Do đó, vấn đề nợ xấu của Mỹ có lẽ không kéo dài như Nhật 15 năm trước. Có thể từ cuối năm 2009 kinh tế Mỹ có triển vọng bước vào quá trình hồi phục.

Yếu tố chính trị

Tuy nhiên, ngoài những yếu tố kinh tế ở trên, các yếu tố chính trị cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Chỉ trong vòng một tháng nữa thì người dân Hoa Kỳ sẽ biết tên chính xác của vị tổng thống mới. Với sự mất tín nhiệm quá cao của người dân đối với Tổng thống Bush hiện nay, bất cứ sự thay đổi nào, bất kể đó là McCain hay là Obama, cũng có thể được xem như là một sự cải thiện. Thị trường sẽ đón nhận tín hiệu này như một luồng sinh khí mới, tăng khả năng đối đầu với những khó khăn hiện tại.

Quan trọng hơn, với sự tích cực lên án của cả hai ứng cử viên tổng thống về những bất cập trong các hoạt động đầu tư của phố Wall, sẽ có những thay đổi rộng lớn về luật lệ giám sát lĩnh vực tài chính nói chung một khi vị tổng thống mới chính thức bước vào Nhà Trắng. Tùy theo khả năng hợp tác với Quốc hội của vị tổng thống mới này mà mức độ nhanh chậm trong việc cải thiện sân chơi tài chính sẽ được tiến hành.

Điều đáng lạc quan ở đây là một khi chính quyền mới lãnh nhiệm sở thì thường sẽ có rất nhiều sáng tạo về chính sách và dễ có được một sự đồng thuận hơn. Hơn bao giờ hết, những sáng tạo về chính sách giải quyết khủng hoảng sẽ là đặc biệt cần thiết trong bối cảnh kinh tế rối ren hiện nay của Hoa Kỳ. (Còn tiếp)

Trần Văn Thọ - Trần Lê Anh
Tác giả Trần Văn Thọ: Giáo sư Kinh tế, Đại học Waseda, Tokyo (Nhật Bản), hiện đang nghiên cứu ở Đại học Harvard, Cambridge (Mỹ)
Tác giả Trần Lê Anh: Phó giáo sư Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Lasell, Boston (Mỹ).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.