Lại 'nóng' cuộc chiến vận tải công nghệ

29/08/2018 06:53 GMT+7

Một tân binh hừng hực khí thế, một “ông lớn” điềm đạm với chiến lược bài bản..., cuộc chiến giành thị phần vận tải công nghệ lại được châm ngòi sau gần nửa năm yên ắng.

Cuộc đụng độ “nảy lửa”
Kể từ sau sự ra đi của Uber cách đây hơn 5 tháng, rất nhiều ứng dụng cả trong và ngoài nước như VATO, Aber, FastGo, TNET, XELO... đã nhanh chóng tận dụng cơ hội nhằm lấp đầy khoảng trống, giành miếng bánh thị phần sau 2 năm bị Uber, Grab ép sân. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy. Các “tay chơi” mới loay hoay mãi vẫn chưa nhận được sự quan tâm của cả khách hàng lẫn tài xế.
Muốn tham gia cuộc chơi lớn phải sẵn sàng chi mạnh, chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực cả tài chính lẫn công nghệ mới mong thắng
Chuyên gia Đỗ Hòa

Cuộc chiến rơi vào khoảng lặng cho đến khi Go-Viet dưới sự hậu thuẫn từ Go-Jek, ứng dụng gọi xe hàng đầu Indonesia, chính thức triển khai hoạt động rầm rộ tại TP.HCM hồi đầu tháng 8. Chỉ chưa đầy 1 tháng hoạt động, Go-Viet đã hứng khởi thông báo giành được 15% thị phần tại TP.HCM và đang tiến hành các bước chuẩn bị mở rộng ra thị trường Hà Nội vào tháng 9 tới. Trước đó, ông Andre Soelistyo, Chủ tịch Go-Jek, còn tuyên bố trong vòng 3 ngày kể từ khi ra mắt, ứng dụng này đã đạt tới 10% thị phần. Con số này thật sự gây sốc vì ngay cả Grab, ứng dụng thành công nhất tại thị trường VN hiện nay, hay như đối thủ ngang tầm - Uber trước đây cũng chưa bao giờ bao giờ dám lên tiếng khẳng định, tuyên bố thống lĩnh hay chiếm được bao nhiêu thị phần.
Đáp trả lại nghi vấn thất thế trước cuộc chào sân như vũ bão của đội áo đỏ (Go-Viet - PV), Grab tung loạt chương trình, như một cách khẳng định vũ khí chính của mình là nền tảng ứng dụng và chất lượng dịch vụ. Không chăm chăm giữ mảng vận tải, Grab tập trung xây dựng một hệ sinh thái bao gồm nhiều dịch vụ như Grab Financial, GrabPay, GrabDaily hay mới đây nhất là phối hợp cùng HappyFresh triển khai GrabFresh - dịch vụ giao hàng tạp hóa tận nhà.
Bên cạnh đó, trong khi Go-Viet sử dụng triệt để các chính sách ưu đãi để nhanh chóng chiêu mộ tài xế, Grab siết chặt hơn về mặt quản lý để nâng cao chất lượng. Hãng này yêu cầu tài xế chỉ được chạy duy nhất ứng dụng để đảm bảo khả năng cung ứng và chất lượng dịch vụ. Kèm theo là loạt quy tắc áp dụng cho tài xế hay hủy chuyến, áp tỷ lệ hủy chuyến cho cả hành khách để hạn chế tình trạng lái xe lách phạt, nhờ khách hủy chuyến.
Ngoài ra, thay vì giảm chiết khấu, tăng ưu đãi, Grab đi vào chính sách đãi ngộ tri ân, trao học bổng cho con em tài xế, tổ chức các cuộc thi để nâng cấp chất lượng và gia tăng các tính năng mới, cải thiện phần mềm để hỗ trợ việc đi lại, góp ý của khách hàng được nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Đại diện Grab cho biết trong bối cảnh có quá nhiều ứng dụng xuất hiện kéo theo nhiều bất cập liên quan đến tài xế và khách hàng, công ty chỉ muốn tập trung vào những đối tác trung thành, thật sự muốn cùng Grab cộng sinh. “Ứng dụng, tài xế và khách hàng là kiềng ba chân không thể tách rời. Thái độ hợp tác tốt sẽ đem đến lợi ích chung cho cả ba, xây dựng môi trường kinh doanh thời công nghệ văn minh, lành mạnh”, vị này nhấn mạnh.
Đường dài mới biết ngựa hay
Cuộc cạnh tranh càng khốc liệt, các doanh nghiệp (DN) càng phải đổi mới, cải tiến chất lượng dịch vụ và giá cả để níu chân khách hàng. Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, với vị thế hiện tại, các DN cần có sự chuẩn bị thật kỹ về mọi mặt mới có thể đấu lại được với Grab. Minh chứng rõ nhất là sự ra đi của Uber. Từ một nền tảng ứng dụng nước ngoài, chinh chiến tại rất nhiều quốc gia, rầm rộ bành trướng thị trường tại VN, trở thành đối thủ đáng gờm của Grab, nhưng cuối cùng cũng phải bán lại thị phần cho “ông lớn” áo xanh.
Ông Đỗ Hòa, chuyên gia tư vấn chiến lược và quản lý DN, đánh giá cao bước đi đầu tiên về mặt quảng bá thương hiệu của Go-Viet. Theo ông, thành tích giành 10% thị phần trong 3 ngày đầu ra mắt chưa hẳn đã chính xác, vì trong bối cảnh cuộc đua ứng dụng công nghệ tham gia vào vận tải đang ngày càng sôi động với hàng loạt tân binh trong và ngoài nước liên tục xuất hiện, việc xác định chính xác thị phần hoàn toàn không dễ. Đặc biệt, khi việc định danh loại hình này còn chưa ngã ngũ, chính cơ quan nhà nước cũng khó lòng xác định tỷ lệ chiếm lĩnh thị phần của bất cứ DN cung cấp phần mềm nào. Nhưng xu hướng công bố kết quả kinh doanh khả quan hơn so với thực tế là một trong những thủ thuật truyền thông thường thấy đối với các DN mới đang hừng hực khí thế muốn giành thị phần, nhằm đánh vào tâm lý của đối tác, gây hiệu ứng đám đông, tạo lợi thế về mặt xây dựng hình ảnh.
Bên cạnh đó, kế hoạch khuyến mãi, chấp nhận lỗ trong thời gian đầu để kéo khách cũng là hướng đi đúng. Bản thân Uber và Grab khi mới vào VN cũng như vậy. “Tuy nhiên không phải DN nào cũng đủ tiềm lực để “nuông chiều” đối tác trong thời gian dài. Bản thân Go-Viet cũng đã phải nâng giảm mức khuyến mãi từ 5.000 đồng/cuốc xe xuống 9.000 đồng/cuốc. Đây là cuộc chiến của những DN trường vốn. Để đi đường dài phải cân nhắc hiệu quả, duy trì chất lượng dịch vụ tốt, quản trị tốt thì sẽ có lãi. Đường dài mới biết ngựa hay, muốn tham gia cuộc chơi lớn phải sẵn sàng chi mạnh, chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực cả tài chính lẫn công nghệ mới mong thắng được”, ông Hòa nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.