Lãi suất huy động đã chạm đáy ?

Thanh Xuân
Thanh Xuân
18/11/2020 06:13 GMT+7

Lãi suất huy động của các ngân hàng ngày càng giảm trong khi lạm phát vẫn nhích lên làm cho người gửi tiền cảm thấy thiệt thòi. Thế nhưng theo các chuyên gia, vẫn còn dư địa giảm lãi suất để kích thích tiêu dùng nội địa.

Lãi suất huy động 2,5%/năm

Ngân hàng (NH) TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa giảm lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng thêm 0,1 - 0,2%/năm so với cuối tháng 10. Cụ thể, lãi suất huy động 1 tháng còn 2,5 - 3,1%/năm, 3 tháng từ 2,7 - 3,3%/năm, 6 tháng từ 4 - 4,8%/năm, 12 tháng từ 4,3 - 5,3%/năm… Đây là lần thứ 32 kể từ đầu năm đến nay, Techcombank điều chỉnh lãi suất huy động tiền đồng và là nhà băng có mức lãi huy động thấp nhất hiện nay.
Cũng như các NH khác, lãi suất huy động tiền đồng không kỳ hạn của Techcombank ở mức 0,1%/năm. Lãi suất huy động của Vietcombank ở mức thấp tiếp theo khi kỳ hạn 1 tháng là 3,1%/năm, 3 tháng 3,4%/năm, 6 tháng là 4%/năm, 12 tháng là 5,8%/năm… Các NH khác có mức lãi suất huy động tiết kiệm dao động từ 3,3 - 4%/năm ở kỳ hạn dưới 6 tháng; 4,4 - 6,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6 - 7 %/năm.
Riêng lãi suất giao dịch của các NH trên thị trường liên NH từ nhiều tháng trở lại đây đang ở mức rất thấp, có kỳ hạn gần 0%/năm. Chẳng hạn, lãi suất bình quân liên NH ngày 12.11 kỳ hạn qua đêm ở 0,11%/năm, 1 tuần 0,21%/năm, 2 tuần 0,19%/năm, 1 tháng 0,57%/năm, 3 tháng còn 1,67%/năm, 6 tháng còn 1,543%/năm. So với lãi suất huy động tiết kiệm, lãi suất giao dịch giữa các NH hiện nay đang còn một nửa đến 1/3 tùy theo thời hạn.
Lãi suất ngày càng giảm trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn tăng khiến người gửi tiền cảm thấy thiệt. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, CPI tháng 10 tăng 0,09% so với tháng trước; tăng 0,09% so với tháng 12.2019 và tăng 2,47% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 10 tháng năm 2020 tăng 3,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Lạm phát cơ bản tháng 10 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,88% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm 2020 tăng 2,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Do đó, nếu người gửi tiền lựa chọn gửi kỳ hạn ngắn thì cảm giác chịu thiệt thòi.

Vẫn còn dư địa giảm lãi

Tuy nhiên, TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng người gửi tiền vẫn nhận được lãi suất thực dương. Không thể lấy chỉ số lạm phát cả năm để so với lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng. Về mặt chính sách, giai đoạn này điều hành lãi suất hơi chậm là hợp lý để có thể tiếp tục giảm hỗ trợ cho nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Thực tế, dù lạm phát có tăng lên nhưng so với tiền gửi kỳ hạn 1 năm, vẫn dương lớn, người gửi tiền vẫn được lợi. Cụ thể, theo kế hoạch năm 2020 lạm phát dưới 4% trong khi lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng là 7 - 8%/năm, người gửi vẫn có lợi. Còn nếu theo CPI năm 2021 mà Quốc hội đã thông qua dưới 4%, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng hiện ở mức 6 - 7%/năm thì người gửi tiền vẫn có lãi suất thực dương, thậm chí dương đến 3%.
"Trong lịch sử không nhất thiết người gửi tiền lúc nào cũng hưởng được lãi suất thực dương, mà vấn đề ở đây nền kinh tế đang ở trong tình trạng nào. Hiện nay, xuất khẩu tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, còn nhập khẩu lại suy giảm. Điều đó cho thấy phần nhập khẩu cho tiêu dùng bị suy yếu, chứng tỏ sức mua của nền kinh tế suy giảm, đó là nguyên nhân chính gây ra tăng trưởng kinh tế sụt giảm trong năm 2020. Trong bối cảnh này, không nên đặt nặng vấn đề lãi suất thực dương dù thực tế lãi suất vẫn đang thực dương. Thực tế, chúng ta vẫn còn dư địa giảm lãi suất", ông Chí nhấn mạnh.
TS Lê Đạt Chí chia sẻ thêm: Cách đây vài hôm, Trung Quốc đưa ra kế hoạch 5 năm tới, đó là nền kinh tế tăng trưởng giai đoạn 2 chu kỳ. Về lý thuyết kinh tế 2 chu kỳ có nghĩa phần xuất khẩu đang gặp vấn đề, nên họ lấy tiêu dùng nội địa để tăng trưởng. Một thị trường lớn cũng phải hướng đến tiêu dùng nội địa, trong khi Việt Nam hiện nay chưa có giải pháp hướng đến tiêu dùng nội địa. Giải pháp lớn nhất hiện nay là giảm lãi suất để tăng tiêu dùng nội địa, phải làm sao kích thích được người tiêu dùng chứ không phải lo lãi suất thực dương hay lạm phát.
Ông Lê Đạt Chí bình luận: Có thể nhà điều hành đang lo ngại tình trạng dòng tiền dịch chuyển vào các thị trường như vàng, bất động sản nhưng 2 thị trường này khó có thể hút vốn bởi thị trường đang được quản lý. Lãi suất đối với kỳ hạn ngắn thấp hơn dài, tạo ra đường cong lãi suất, tạo cho lãi suất ở các kỳ hạn khác nhau. Người gửi tiền luôn có sự đánh đổi, khi họ chọn kỳ hạn ngắn là kỳ vọng lãi suất tăng trong tương lai, nhưng nếu lãi suất giảm thì họ sẽ gửi kỳ hạn dài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.