Làm giả tinh vi GPLX mẫu mới

04/03/2014 09:35 GMT+7

Thanh tra giao thông Sở GTVT Bình Thuận vừa phát hiện 2 trường hợp làm giả giấy phép lái xe mẫu mới một cách tinh vi.

Thanh tra giao thông Sở GTVT Bình Thuận vừa phát hiện 2 trường hợp làm giả giấy phép lái xe mẫu mới một cách tinh vi.

 Làm giả tinh vi GPLX mẫu mới
GPLX mẫu mới bị làm giả vừa phát hiện ở Bình Thuận - Ảnh: Quế Hà

Đây được xem là hai trong những giấy phép lái xe (GPLX) giả đầu tiên bị phát hiện kể từ khi mẫu GPLX mới bằng nhựa PET được lưu hành.

Giả như thật

Theo ông Nguyễn Thanh Long, Phó chánh thanh tra Sở GTVT Bình Thuận, qua kiểm tra, thanh tra giao thông (TTGT) phát hiện và nghi vấn 2 giấy GPLX mẫu mới của người sử dụng là giả, nên đã thu giữ, chuyển Phòng Quản lý vận tải và người lái (QLVT-NL) Sở GTVT Bình Thuận xác minh. Kết quả cho thấy đó là 2 GPLX giả. Đây cũng là lần đầu tiên Sở GTVT Bình Thuận phát hiện GPLX mới bị làm giả.

 

Các hoa văn trên GPLX giả giống hệt như thật. Với các đặc điểm này thì các lực lượng như CSGT hay TTGT rất khó phát hiện bằng mắt thường

Ông Nguyễn Tấn Luật, Trưởng phòng Quản lý vận tải và người lái Sở GTVT Bình Thuận

Hai tài xế bị phát hiện sử dụng GPLX giả là Bùi Quốc Công (trú xã Phương Chiểu, H.Tiên Lữ, Hưng Yên) và Trần Văn Thuận (trú Hàm Liêm, H.Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận). Công sử dụng GPLX giả chữ ký của Phó giám đốc Sở GTVT Ninh Bình Lê Trọng Thành (ký ngày 24.10.2013); còn Thuận sử dụng GPLX giả chữ ký của Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Dương Hồng Thanh, ghi ngày cấp là 14.10.2013. Cả hai lái xe này sau khi bị lập biên bản, tạm giữ GPLX… đã không đến cơ quan TTGT để giải quyết và lấy lại giấy tờ.

Theo ông Nguyễn Tấn Luật, Trưởng phòng QLVT-NL (Sở GTVT Bình Thuận), GPLX mới sử dụng chất liệu nhựa PET, được in chìm hình người được cấp GPLX, có tính bảo mật rất cao, nhưng GPLX giả được làm rất tinh vi, có đặc điểm không khác gì GPLX thật; cũng được in hình người lái theo công nghệ số hóa. “Các hoa văn trên GPLX giả giống hệt như thật. Với các đặc điểm này thì các lực lượng như CSGT hay TTGT rất khó phát hiện bằng mắt thường”, ông Luật nói.

Phân tích sâu hơn từ 2 mẫu GPLX giả mới bị phát hiện, ông Luật nói: “Phải có chuyên môn mới có thể phát hiện ra những điểm bất thường của GPLX mới giả. Chẳng hạn nó có màu đậm hơn, hoặc nhạt hơn một chút so với GPLX thật. Các vị trí chống giả trên GPLX giả không phản quang như GPLX thật…”.

Tăng kính giải mã cho CSGT

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Thắng, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (TCĐB), cho biết thực tế TTGT đã phát hiện một số trường hợp làm giả GPLX nhựa PET tại Ninh Bình. “Các GPLX mới làm giả hoàn toàn, không phải bằng phôi do Tổng cục cấp”, ông Thắng khẳng định và cho biết sẽ kiểm tra các thông tin về mẫu GPLX giả bị phát hiện tại Bình Thuận.

Ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (TCĐB), cho biết có hai cách kiểm tra GPLX mới đơn giản và hiệu quả nhất. Thứ nhất, TCĐB đã trao hơn 1.000 bộ kính giải mã cho Cục CSGT đường bộ đường sắt, tập huấn cách kiểm tra thật, giả cho CSGT cả 63 tỉnh thành trong cả nước. Thông qua bộ kính giải mã này, CSGT sẽ dễ dàng kiểm tra ảnh và thông tin ẩn nằm trong ảnh, GPLX làm giả không thể làm được các thông tin này. Ngoài ra, CSGT và doanh nghiệp nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ cũng có thể dễ dàng tra số GPLX trên trang web của TCĐB, nếu không có thật sẽ không hiện lên thông tin.

Ông Quân cũng khẳng định, GPLX dạng PET có độ bền cao hơn rất nhiều so với dạng giấy trước đây, nhỏ gọn phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, việc sử dụng nhiều công nghệ đặc biệt, có tính năng bảo mật riêng (không công khai rộng rãi) trên GPLX mới sẽ hạn chế được việc làm giả so với GPLX cũ, nhưng không thể hạn chế 100% việc làm giả. “Tới đây, khi việc áp dụng GPLX dạng PET mở rộng, nếu CSGT có nhu cầu sử dụng thêm kính giải mã, TCĐB cũng sẽ phối hợp cung cấp”, ông Quân nói.

Chưa có sự liên kết

Theo ông Nguyễn Tấn Luật, cho đến thời điểm này thì từng địa phương phải tự xác minh các thông tin về GPLX. Người sử dụng ở tỉnh nào thì vẫn phải nhờ tỉnh đó xác minh. Bởi hiện nay vẫn còn tồn tại hai loại GPLX trên toàn quốc. “Chỉ đến sau ngày 31.12.2014, thời điểm bắt buộc người lái ô tô phải có GPLX mới thì việc tra cứu sẽ được thống nhất trên toàn quốc. Lúc đó, tỉnh này có thể tra cứu được GPLX của tỉnh khác một cách dễ dàng. Thậm chí chủ doanh nghiệp muốn tuyển lái xe có thể tự kiểm tra GPLX của người tài xế mà mình sẽ tuyển dụng”, ông Luật nói và cho biết khi nghi vấn GPLX mẫu mới bị làm giả, mọi người có thể tra cứu bằng cách vào trang web:  www.gplx.gov.vn (của TCĐB VN). Sau đó nhập số seri của GPLX  ở  mặt trước vào ô “số GPLX” và nhấn tra cứu sẽ cho kết quả ngay là thật hay giả.

Quế Hà -  Mai Hà

>> Nhiều hành khách dùng giấy tờ giả đi máy bay
>> Làm giả hồ sơ hưởng chế độ chất độc hóa học
>> Làm giả giấy tờ, lừa cả em vợ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.