Lạm phát sẽ chịu sức ép lớn từ tăng giá xăng, dầu

Anh Vũ
Anh Vũ
19/04/2019 13:28 GMT+7

Báo cáo công bố sáng nay, 19.4, của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cảnh báo, sự tăng giá mạnh của dầu sẽ khiến lạm phát năm 2019 chịu sức ép rất lớn.

Báo cáo được công bố tại hội thảo “Kinh tế vĩ mô Việt Nam: kiên trì cải cách trong bối cảnh thế giới bất định”, do CIEM tổ chức.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Tổng hợp của CIEM, cho biết những điểm nhấn của Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 1 là Việt Nam vẫn phải xử lý không ít thách thức, chủ yếu là về nền tảng kinh tế vi mô. Tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật còn phổ biến, dẫn tới tình trạng tư duy, chính sách mới chậm đi vào thực hiện. Ngay cả với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các hướng dẫn và sửa đổi luật liên quan còn chậm thực hiện, dù lãnh đạo cấp cao và doanh nghiệp kỳ vọng khá nhiều.
Tăng trưởng năm 2019 dự kiến đạt 6,88%
Kết quả dự báo của CIEM cho thấy, tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,88%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,02%.
Thặng dư thương mại ở mức 3,1 tỉ USD. Mức tăng giá tiêu dùng trong năm là khoảng 3,71%.
“Quan trọng hơn, hiệu lực thực thi chính sách vẫn chậm được cải thiện. Việc Chính phủ, Thủ tướng thường xuyên nhắc lại những nhóm giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội phần nào cho thấy sự sát sao, song mặt khác cũng cho thấy các nhóm giải pháp chưa được nhận thức và thực hiện đầy đủ”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, phân tích thêm.
Trong thời gian tới, CIEM nhận định chỉ số tiêu dùng (CPI) có thể chịu áp lực tăng từ các yếu tố như điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá (điện, dịch vụ y tế), tăng lương tối thiểu vùng.
Đặc biệt, sự bất định về giá xăng dầu thế giới, và một số diễn biến bất lợi trong nước (dịch tả lợn châu Phi), cộng với giá điện được điều chỉnh tăng thêm 8,36% từ cuối tháng 3, có thể tác động lên mặt bằng giá chung, gây sức ép lên lạm phát.
Trước đó, sau cú sốc tăng giá điện tới 8,36%, giá xăng trong nước 2 kỳ vừa qua đều tăng “khủng”, tổng cộng tới 2.700 đồng/lít, tức tăng tới 12%. Nếu tính từ đầu năm tới nay, giá xăng đã tăng tới 17%.
Tiếp tục cảnh báo về thách thức, CIEM cho rằng, dù kỳ vọng nhiều vào việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA), Việt Nam cũng cần lưu ý EU đang rất bận với chương trình nghị sự về thương mại (liên quan đến Brexit, đàm phán thương mại với Mỹ). Bản thân EU cũng đã phê chuẩn hiệp định FTA với Nhật Bản trong quý 1, nên nhu cầu phê chuẩn sớm một FTA khác có thể giảm bớt.
Ngoài ra, hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật hơn ở các thị trường nước ngoài, kể cả thị trường CPTPP. Cùng với đó, thị trường tài chính quốc tế có thể còn phản ứng nhanh và quá mức trước những diễn biến bất lợi, đặc biệt liên quan đến các vấn đề địa chính trị,… qua đó ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và dòng vốn vào - ra Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.