Làm thế nào để chống thất thu thuế?

15/03/2006 23:19 GMT+7

Sáng 15.3 tại Đà Nẵng, Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội đã tổ chức thẩm tra các dự án luật: Luật Quản lý thuế, Luật Chứng khoán và Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2004 để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9 của Quốc hội. Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, ông Trần Văn Tá - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, tính đến 30.9.2005, số thuế nợ đọng đã lên tới 4.020 tỉ đồng. Trong đó, thuế xuất, nhập khẩu chiếm 2.600 tỉ đồng, các loại thuế khác: 1.420 tỉ đồng. Từ năm 1999 đến nay đã có 1.616 vụ có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các luật thuế được chuyển cho cơ quan điều tra. Trong số này có 553 vụ đã được khởi tố, xét xử 67 vụ, thu hồi cho ngân sách 242,7 tỉ đồng. Nguyên nhân của tình trạng này do các quy định về quản lý thuế còn phân tán tại nhiều luật, nhiều nội dung còn chưa thống nhất. Ông Trần Văn Tá nêu ví dụ: đối với các hành vi trốn thuế có luật quy định mức phạt từ 1 - 3 lần số thuế trốn; có luật quy định từ 1 - 5 lần số thuế trốn, lậu... Ngoài ra, quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp luật của các chủ thể tham gia quản lý thuế chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý thuế.

Về dự án Luật Quản lý thuế, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về nhiều vấn đề quan trọng như đăng ký thuế, quyền của người nộp thuế, điều kiện hành nghề đại lý thuế, thủ tục miễn thuế, giảm thuế, xóa nợ thuế, công tác thanh tra, điều tra các vi phạm pháp luật thuế... Về biện pháp chống thất thu thuế như thế nào cho hiệu quả, đại biểu Nguyễn Thành Quang (Phú Yên) cho rằng, cần phải quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc quản lý thuế đồng thời phải xây dựng cho được lực lượng quản lý thuế, định hướng bộ máy, tiêu chuẩn nhân sự do đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc chống thất thu thuế. Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (TP Đà Nẵng) cho biết, có người kinh doanh vừa phải nộp thuế cho cơ quan thuế rồi lại phải nộp một khoản đáng kể cho nhân viên thu thuế, chưa kể tình trạng mua bán hóa đơn giả công khai giữa chợ... Trong khi đó các biện pháp khắc phục vẫn chưa được cụ thể hóa trong luật. Vấn đề thành lập lực lượng điều tra thuế, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên  cần quy định kỹ trường hợp nào chuyển cho cơ quan công an, trường hợp nào do ngành thuế điều tra... Ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, các quy định này cần chặt chẽ, thận trọng, phân cấp rõ ràng để tránh chồng chéo, mang lại hiệu quả cao nhất trong việc quản lý thuế.

Ông Nguyễn Văn Ninh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế:

"Tiến đến xóa nợ thuế cho các tổ chức, cá nhân"

Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên về vấn đề xóa nợ thuế quy định trong Dự thảo Luật Quản lý thuế, ông Nguyễn Văn Ninh cho biết: "Một doanh nghiệp (DN) đã rơi vào tình trạng xử lý phá sản mà số tiền thu hồi sau khi phá sản không đủ để nộp thuế thì phần nợ thuế còn lại không thể không xóa. Cá nhân nợ thuế mà người nợ đã chết, đã mất tích mà không có người thừa kế thì không có lý do gì mà chúng ta không xóa cho họ. Vấn đề là trường hợp nào được xóa cho đúng, công bằng, thủ tục xóa thế nào cho chặt chẽ mới quan trọng. Những DN phá sản phải do tòa án tuyên phá sản, giải thể doanh nghiệp phải có quyết định giải thể của cơ quan chủ quản là UBND địa phương, các bộ. Các DN tư nhân cũng cần có bằng chứng xác định họ giải thể. Những cá nhân nợ thuế đã chết hay mất tích thì các cơ quan địa phương phải xác nhận đầy đủ... Không thể để nợ tồn tại mãi trong khi chúng ta không có khả năng để thu hồi. Như vậy sẽ không giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng thuế, treo thuế trong sổ sách".

Nguyễn Hữu (ghi)

Hữu Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.