Lãng phí 'đất vàng' - Dân bức xúc, chính quyền ca thán

Quế Hà
Quế Hà
10/04/2018 10:39 GMT+7

Tình trạng 'ngâm' dự án (DA) không chỉ khiến người dân bức xúc mà ngay cả chính quyền cũng kêu ca. Nguyên do vì đâu?

Lãng phí "đất vàng"
Tại cuộc đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai được tổ chức mới đây, ông Ngô Phong (ngụ P.Phước Hội, TX.La Gi) bức xúc nói: “Các DA du lịch tại TX.La Gi có từ 20 năm nay rồi nhưng vẫn nằm phơi ra đó. Rất lãng phí tài nguyên đất ven biển vốn được coi là đất vàng. Hiện nay nhiều nhà đầu tư muốn nhảy vào nhưng không còn chỗ nữa. Tại sao lại để lãng phí như vậy?”. Cũng theo ông Phong, các DA chậm triển khai gây khó khăn cho dân vì đất thì bỏ hoang nhưng không được sản xuất, cũng không được đền bù... Theo Giám đốc Sở VH-TT- DL Bình Thuận Ngô Minh Chính, hiện toàn TX.La Gi còn 30/40 DA du lịch chưa triển khai do vướng đền bù, thiếu đường giao thông và nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính.
Trả lời cử tri tại TX.La Gi, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai nói dứt khoát: "Phải rà soát lại tất cả. Khó chỗ nào phải tháo gỡ cho nhà đầu tư để họ triển khai sớm DA, không để lãng phí đất đai. Cái này phải làm quyết liệt. Còn DA nào nhà đầu tư thiếu thiện chí, thiếu năng lực, đối phó thì thu hồi lại DA”.
Lãng phí 'đất vàng' - Bài 2: Dân bức xúc, chính quyền ca thán1
Một số khu "đất vàng" ven biển Phan Thiết được các chủ đầu tư “giữ” hơn 10 năm nay không triển khai
Dân muốn sửa chữa nhà cửa cũng không xong
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Hoa, Chủ tịch UBND P.Mũi Né, TP.Phan Thiết (Bình Thuận) cho biết nhiều DA chưa bồi thường cho dân nhưng “ngâm” hàng chục năm nay. "Dân muốn xây dựng, sửa chữa nhà cửa cũng không xong vì đất trong DA. Nếu doanh nghiệp không triển khai thì tỉnh nên thu hồi giao cho nhà đầu tư có nhu cầu thực sự. Hiện nay có tình trạng cứ từ chủ đầu tư này chuyển sang chủ đầu tư khác nhưng vẫn không triển khai. Dân cứ lên phường chất vấn nhưng phường cũng nắm đâu. Cái này rất khó cho địa phương trong giám sát, quản lý đất đai”, bà Hoa nói.
Còn ông Lê Thanh Chung, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Thắng (H.Bắc Bình) cho biết, trên địa bàn xã cũng có những DA được giao đất cả trăm héc-ta từ năm 2012 đến nay nhưng mới chỉ làm được cái hàng rào giữ đất rồi để đó. “Chúng tôi mong tỉnh cho triển khai nhanh để địa phương cũng giải quyết được công ăn việc làm cho người dân, khỏi phải đi làm ăn xa”, ông Chung nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, Phó giám đốc Sở KH-ĐT Bình Thuận Trần Đức Tiến, cho biết: “Quan điểm của UBND tỉnh rất rõ ràng. Nếu chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính, thiếu thiện chí thì tỉnh thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư có tiềm lực. Tuy nhiên, việc thu hồi phải đúng quy trình, không để phát sinh khiếu kiện về sau”. Cũng theo ông Tiến, hiện nay toàn tỉnh mới có khoảng 50% DA trong số hơn 420 DA còn hiệu lực đầu tư hoạt động. Hàng loạt DA (chủ yếu là DA du lịch) đang được rà soát chặt chẽ. Bước thứ nhất thì sở sẽ chủ trì mời chủ đầu tư nghe giải trình để giải quyết vướng mắc. Qua thời gian gia hạn của sở (3 tháng) mà họ vẫn không triển khai thì chuyển lên tỉnh. Tỉnh tiếp tục gia hạn thêm 6 tháng nữa, nếu vẫn không triển khai thì thu hồi.
Có hiện tượng "găm đất" chờ cơ hội để sang nhượng
Theo ông Trần Ngọc Thêm (chủ đầu tư Hoàng Ngọc resort, tại Mũi Né, TP.Phan Thiết) nguyên nhân nhiều DA bị "treo" chính là hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực du lịch tại Mũi Né hiện nay gặp không ít khó khăn. Hầu hết các nhà đầu tư nhận thấy điều này khi mà hệ thống hạ tầng giao thông tại Bình Thuận còn yếu kém. "Trong khi đó nếu triển khai DA thì các doanh nghiệp phải vay hơn 90% của ngân hàng để đầu tư. Nếu DA không có hiệu quả về kinh tế thì việc trả lãi cho ngân hàng đã khó, chứ nói gì hoàn vốn”. Còn ông Trần Văn Bình (chủ đầu tư Muine Little resort, Mũi Né, TP.Phan Thiết) nhận định: “Ngoài yếu kém về hạ tầng giao thông, kinh doanh kém hiệu quả, nguyên nhân còn lại chính là hiện tượng đầu cơ đất đai, chờ cơ hội. Nhiều DA không có tiền triển khai, nhưng họ cứ găm đất lại, xây dở dang bỏ đó chờ cơ hội sang nhượng kiếm lời. Cái này cũng nhiều chứ không phải ít”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.