Đó là nội dung vừa được Tổng cục Hải quan chỉ đạo đến cục hải quan các địa phương trong quá trình thực hiện thủ tục. Theo đó, các lo hàng nhập khẩu là phế liệu, cơ quan hải quan phải lấy mẫu để phân tích đánh giá phù hợp quy chuẩn môi trường. Quá trình lấy mẫu phải được chụp ảnh thực tế hàng hóa nhập khẩu để lưu hồ sơ phục vụ công tác thanh, kiểm tra sau này.
Với hàng hóa được khai báo là đã qua sử dụng, không phân biệt mục đích sử dụng, nếu tên và mã hàng không có trong Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất, cũng phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định hải quan kiểm định. Các mặt hàng nghi phế liệu như: bao bì, màng nhựa, dây đai, bao jumbo, đồ nhựa, lưới đánh cá…
Trước đây, ngày 18.6, Tổng cục Hải quan cũng đã chỉ đạo hải quan các tỉnh, thành tăng cường quản lý phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam. Hiện riêng các cảng tại TP.HCM tồn đọng hơn 3.000 container phế liệu. Đây cũng là nhóm hàng được ngành hải quan đưa vào diện cảnh báo từ đầu năm khi Trung Quốc bắt đầu áp dụng chính sách cấm nhập khẩu rác phế liệu.
Tuy nhiên, việc ùn ứ rác phế liệu tại một số cảng ở Việt Nam đang ngày càng tăng. Trước yêu cầu cấp bách, hải quan Cát Lái, Cái Mép buộc ngưng tiếp nhận loại hàng này. Trước mắt, các cơ quan chức năng đang bàn cách phân loại, giải tỏa các lô hàng phế liệu tồn đọng quá 90 ngày tại các cảng.
Bình luận (0)