Lỗ hổng lớn trong cho thuê tài chính

21/04/2011 23:41 GMT+7

Những sai phạm tại Công ty Cho thuê tài chính 2 (ALC2) với số lỗ được kiểm toán hơn 3.000 tỉ đồng đang gióng lên hồi chuông báo động về hoạt động của các công ty cho thuê tài chính (CTTC) hiện nay.

Rủi ro thanh khoản lớn nhất 

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong số 13 công ty CTTC đang hoạt động hiện có 4 công ty 100% vốn nước ngoài (ANZ - VTrac; Quốc tế Việt Nam, Kexim, Chailease), 1 công ty trực thuộc Tập đoàn Vinashin, 8 công ty còn lại đều là công ty con của các “đại gia” NH. Cụ thể Agribank có ALC1 và ALC2; NH Đầu tư và Phát triển có BLC và BLC1; Vietcombank và Vietinbank mỗi NH cũng có 1 thành viên, 2 công ty còn lại thuộc sở hữu của NH Á Châu - ACB và Sài gòn Thương tín - Sacombank.


Cần cẩu là món hàng ưa thích của công ty CTTC - Ảnh: Nguyễn Hưng 

Trong số các công ty này, vốn điều lệ của Công ty CTTC trực thuộc Vietinbank cao nhất với 500 tỉ đồng, thấp nhất của ANZ-Vtract chỉ có 103 tỉ đồng. Các công ty còn lại dao động từ 200 - 300 tỉ đồng. Với đặc thù mua tài sản giá trị cao như: tàu biển, cần cẩu, dây chuyền công nghệ... rồi cho thuê lại trong khi số vốn điều lệ quá ít khiến các công ty CTTC luôn rơi vào tình trạng rủi ro thanh khoản cao nhất trong số các tổ chức tín dụng, phi tín dụng. Bên cạnh đó, việc chỉ được huy động tiền gửi trung, dài hạn từ 1 năm trở lên khiến các công ty này càng "đói" vốn hơn.

Một người làm cả chủ tịch HĐQT của công ty mẹ, công ty con như tại Agribank và ALC2 thì việc tự tung, tự tác, vừa ký duyệt cho vay, vừa bảo lãnh thanh toán... dẫn tới đổ vỡ là điều khó tránh

Ông Đàm Đức Long - Tổng thư ký Hiệp hội CTTC

Theo ông Đàm Đức Long - Tổng thư ký Hiệp hội CTTC, đó là lý do sau hơn 10 năm thị trường khởi tạo, mới có 13 công ty được thành lập. Trong 4 công ty ngoại hiện chỉ có 2 công ty đang hoạt động cầm chừng là ANZ - Vitract và Kexim. ANZ - Vitract chủ yếu mua máy xúc, máy đào của Úc cho các mỏ thuê lại,  nhưng hiện các mỏ khai thác cũng đã tự mua máy nên công ty này không còn hoạt động. Đã có nhiều ý kiến đề xuất NHNN nên chấm dứt hoạt động của công ty này.

Còn Công ty Kexim (Hàn Quốc), thời gian gần đây hiệp hội không nhận được báo cáo từ công ty. Nó đã chấm dứt hoạt động hay đang chuyển hướng sang các mảng dịch vụ khác chưa ai khẳng định được. Số còn lại đều phải núp dưới bóng các NH vốn dày, tiềm lực tài chính dồi dào, các NHTM cổ phần có vốn nhà nước chi phối.

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm cho rằng, rủi ro lớn nhất đối với dịch vụ CTTC là việc giám sát, thanh kiểm tra còn lỏng lẻo. Khi công ty con hoạt động yếu kém được NH mẹ “viện trợ” vốn bằng cách châm trước và đưa ra các điều kiện ưu đãi; thêm vào đó, kiểm soát nội bộ trong từng NH bị “tê cứng” do ràng buộc quyền lợi với nhau khiến dịch vụ này càng  trở nên mất an toàn.

Dịch vụ CTTC phát triển mạnh từ 2005, khi các tập đoàn thành lập. Thời điểm này, các NH thương mại lập ra các công ty CTTC để đáp ứng nhu cầu thuê mua máy móc, dây chuyền công nghệ, do bản thân NH không được thực hiện nghiệp vụ này.

Cũng theo ông Kiêm, NHNH cũng cần phải xem lại quy trình giám sát, xử lý sai phạm khi phát hiện. Thanh tra có vào làm việc, có phát hiện nhưng không quyết liệt, đã đẩy ALC2 đến bờ vực phá sản.

Sống nhờ “sữa mẹ“

Việc các công ty CTTC núp dưới “bầu sữa mẹ” là các NHTM nhà nước đang tạo ra rủi ro lớn cho hệ thống. Một chuyên gia tài chính phân tích, nếu chọn giữa NH và CTTC, người gửi tiền không ai đi gửi ở công ty CTTC vì họ tin tưởng các NH hơn. Vì vậy, các công ty này thường xuyên thiếu vốn và chỉ trông chờ vào công ty mẹ bơm vốn trực tiếp hoặc bảo lãnh thanh toán đi vay tổ chức khác. Đó cũng là lý do, nhiều CTCC  làm liều, huy động vốn ngắn hạn dưới 1 năm cho vay trung, dài hạn và nâng lãi suất lên cao ngất ngưởng để hút khách. Hậu quả là các công ty CTTC thường rơi vào diện cảnh báo nợ xấu rất cao của Trung tâm Thông tin tín dụng CIC (NHNN).

Công ty mẹ - công ty con giữa NH và công ty CTTC, theo một chuyên gia kinh tế chỉ là tên gọi theo luật. Trên thực tế, công ty con như cái sân sau phục vụ công ty mẹ. Công ty mẹ thường xuyên bơm vốn cho các công ty con một cách dễ dãi. Sau đó công ty con CTTC với các DN năng lực yếu kém, hoạt động không hiệu quả rất thiếu an toàn, rủi ro. Chuyên gia này kiến nghị cần phải có đợt thanh kiểm tra toàn diện đối với các công ty CTTC hiện nay để làm rõ huy động vốn bao nhiêu, vay từ công ty mẹ bao nhiêu, dư nợ tín dụng như thế nào, nợ xấu chiếm tỷ lệ ra sao. Tránh đến khi đổ vỡ kéo theo hiệu ứng domino cho cả hệ thống tài chính, NH.

Còn theo ông Long, thời gian tới NHNN phải sớm nâng vốn điều lệ của các công ty này lên, đặt ra các chỉ tiêu an toàn tài chính chặt chẽ hơn thì mới mong hoạt động được an toàn. Ngoài ra, phải có cơ chế, giám sát sát sao giữa NH mẹ và công ty CTTC tránh sự chồng chéo trong quan hệ tài chính, quản trị. “Một người làm cả chủ tịch HĐQT của công ty mẹ, công ty con như tại Agribank và ALC2 thì việc tự tung, tự tác, vừa ký duyệt cho vay, vừa bảo lãnh thanh toán... dẫn tới đổ vỡ là điều khó tránh”, ông Long nói.

Rủi ro của con người

Luật sư Trần Vũ Hải - Đoàn luật sư Hà Nội phân tích, các công ty CTTC phải hết sức thận trọng vì đối tượng của họ thường là các DN vừa và nhỏ, không đủ năng lực tài chính, quản trị, uy tín để tiếp cận vốn của NH. Khi ký kết hợp đồng cho thuê tài sản phải dự báo được thị trường, tiềm năng, khả năng trả nợ của DN. Với tài sản lớn như tàu biển, dây chuyền công nghệ, cẩu thủy lực... mức khấu hao cao càng phải thẩm định kỹ lưỡng, chặt chẽ. Tuy nhiên, tất cả những rủi ro đó không thể so được với rủi ro của con người, cũng như hệ thống giám sát, kiểm tra lỏng lẻo các công ty cho thuê cùng bắt tay với DN bán tài sản để nâng giá, ăn chênh lệch.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.