London giữ vững vị trí trung tâm tài chính số một thế giới

12/09/2017 18:32 GMT+7

Thủ đô nước Anh vẫn giữ vững vị thế trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, bất chấp những lo ngại về hậu Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu).

Trong một bảng xếp hạng được khảo sát từ các chuyên gia công nghiệp công bố ngày 11.9 cho thấy London vẫn được đánh giá cao với vai trò trung tâm tài chính số một toàn cầu. New York và Hồng Kông lần lượt theo sau ở vị trí thứ hai và thứ ba.
Theo Bloomberg, đây là xếp hạng hằng năm lần thứ 22 của Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu (GFCI). Kết quả được tạo ra bằng cách kết hợp khảo sát định tính, 102 yếu tố định lượng cùng với các phương pháp phân tích, đánh giá của Tổ chức Tình báo Kinh tế, Ngân hàng Thế giới, Tố chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD) và Liên Hiệp Quốc. Phần lớn các tiêu chí được xem xét về khả năng cạnh tranh, môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, danh tiếng, sự phát triển khu vực tài chính và nguồn nhân lực.
Mặc dù những rắc rối xung quanh Brexit khiến nhiều ý kiến cho rằng thủ đô nước Anh sẽ bị giảm sức hút, mất đi một lượng đáng kể công ty, tổ chức và việc làm trong ngành tài chính, nhưng thực tế London chỉ bị mất hai điểm trong báo cáo GFCI mới nhất do Z/Yen Group, hãng nghiên cứu - tư vấn tài chính uy tín của Anh và Viện Phát triển Trung Quốc công bố. Đây là mức giảm nhỏ nhất trong số 10 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Trong khi đó, New York mất tới 24 điểm kể từ tháng 3.2017, với nguyên nhân có thể là “do lo ngại về thương mại của Mỹ”.
Các thành phố Tây Âu được đánh giá là tiềm năng thay thế London hậu Brexit, bao gồm Frankfurt, Dublin, Paris và Amsterdam đã quay trở lại bảng xếp hạng với hàng loạt thứ hạng tăng cao. Trong khi một số trung tâm tài chính truyền thống khác trong khu vực như Geneva, Zurich và Luxembourg lại giảm điểm.
Một khu vực khác chứng kiến sự giảm sút trên diện rộng là khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mặc dù có hai thành phố được xếp hạng cao trong top mười là Singapore và Tokyo, nhưng đây lại là khu vực bị mất điểm nhiều nhất.
“Đánh giá chung cho các trung tâm tài chính ở châu Âu vẫn sẽ tiếp tục biến động vì các vấn đề chính trị chưa được giải quyết hoàn toàn. Chủ nghĩa bảo hộ và rào cản thương mại quốc tế cũng là những yếu tố chi phối bảng xếp hạng trong thời gian tới”, Mark Yeandle, Giám đốc Z/Yen kiêm đồng tác giả của GFCI, cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.