Lúa ế, giá thấp

07/09/2009 00:10 GMT+7

Dù Bộ NN-PTNT đưa ra giá sàn (3.800 đồng/kg) và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chỉ đạo thu mua 400.000 tấn gạo để cứu lúa hè thu 2009 cho nông dân, nhưng giá lúa hiện vẫn rất thấp và rất khó bán được trong 2 tuần qua. Mời nghe đọc bài

Dài cổ chờ thương lái

Ông Lê Thanh Hiền, ngụ xã Vĩnh Thuận Tây, H.Vị Thủy (Hậu Giang) cho biết, ông đã thu hoạch hơn 5 tấn lúa từ cuối tháng 7, nhưng kêu bán hoài vẫn chưa được. “Cả khu vực này lúa đều trúng, hạt đều và phơi đủ nắng... vậy mà nài nỉ hoài thương lái quen cũng không chịu vô mua” - ông Hiền nói. Nhiều nông dân ở đây nói rằng cũng có một vài thương lái đến coi lúa, nhưng trả giá chỉ 2.500 - 2.800 đồng/kg. Theo tính toán của bà con, nếu bán giá này sẽ lỗ từ 300 - 500 đồng/kg lúa, tương đương 2 - 3 triệu đồng/ha. Ông Huỳnh Văn Liệu, đang trữ hơn 3 tấn lúa trong nhà suốt 1 tháng nay, bày tỏ: “Hết tuần này mà tình hình không sáng sủa, chắc tôi cũng chở đi bán rẻ cho rồi. Để lâu sợ lúa sẽ bị mốc, ẩm vàng hoặc lên mộng...”.

“Cả khu vực này lúa đều trúng, hạt đều và phơi đủ nắng… vậy mà nài nỉ hoài thương lái quen cũng không chịu vô mua” - Ông Lê Thanh Hiền,  ngụ xã Vĩnh Thuận Tây, H.Vị Thủy (Hậu Giang)

Lúa thường, chất lượng thấp thì đã đành, những giống lúa hạt dài, nguyên liệu xuất khẩu chủ lực cũng chịu cảnh ế ẩm. Tại xã Tân Hộ Cơ, Hồng Ngự (Đồng Tháp), nơi có hơn 1.000 hộ dân trồng hơn 5.000 ha lúa Jasmine, suốt hơn 1 tháng nay lúa “chất lượng cao” vẫn chịu cảnh “trùm nilon” chống chọi với mưa gió. Nhìn đống lúa hơn 3 tấn đang chất đầy trong nhà và phơi tràn ra giữa lộ, ông Trần Văn Ơn buồn bã: “Năm trước tụi tui làm lúa IR50404, bán không được. Mấy ông khuyến nông vô vận động bà con làm lúa thơm xuất khẩu, ai dè cũng không ai mua”. Cùng cảnh đó, hàng ngàn hec-ta lúa Jasmine ở vùng Lương An Trà, Đa Phước, H.Tri Tôn (An Giang) và Lâm trường 422, H.Hòn Đất (Kiên Giang) cũng đã thu hoạch cách đây 4 tuần. Dù quy trình làm ruộng của bà con khu vực này cơ bản đã được cơ giới hóa, lúa trúng đậm, chắc hạt và sấy đủ độ khô... nhưng bán cũng không được. Ông Huỳnh Văn Đường, vừa thu hoạch hơn 30 ha lúa, lắc đầu: “Hồi đầu tháng nghe Chính phủ chỉ đạo Hiệp hội Lương thực thu mua lúa cho dân, ai cũng mừng khấp khởi. Ai dè, chờ hoài không thấy thương lái vô mua".

“Hiện nay giá thu mua lúa hàng hóa của công ty đang dao động từ 3.800 - 3.900 đồng/kg. Nhưng đây là giá mua loại lúa tốt và nông dân phải vận chuyển đến tận kho của công ty để bán” - Ông Nguyễn Văn Minh, Phó tổng  giám đốc Công ty CP lương thực Hậu Giang

Đáng ngại nhất là vùng lúa Tháp Mười, Tam Nông (Đồng Tháp), Mộc Hóa, Thạnh Hóa (Long An)... nhiều hộ dân “neo” lúa trong nhà đang phập phồng vì lũ đã về mấp mé đê bao. Trong khi đó, vùng rốn cá Hậu Giang (nơi trũng nhất đồng bằng), bà con đã thu hoạch xong hơn 61.000 ha lúa hè thu (97% diện tích), nhưng cũng chỉ có khoảng 40 - 50% lượng lúa đã được tiêu thụ.

“Đây là quy luật”?

Hồi đầu tháng 8, VFA đã có chỉ đạo 21 doanh nghiệp (DN) thành viên thu mua 400.000 tấn gạo để bình ổn giá lúa hè thu trong dân. Tuy nhiên, nhiều DN cho biết, điều này rất khó thực hiện. Bởi đằng sau chỉ đạo trên, thực chất không có ràng buộc nào, bản thân các DN đang thu mua cầm chừng để đảm bảo hoạt động và tiến độ giao hàng cho nước ngoài ký hồi giữa năm.

Một giám đốc công ty xuất khẩu gạo nói: “Nếu các DN có thu mua như chỉ đạo thì tình hình đầu ra và giá lúa hè thu cũng chẳng cải thiện được bao nhiêu vì đây là quy luật. Hơn ai hết nông dân thừa biết, lúa hè thu chất lượng rất thấp và rất khó bán buôn, xuất khẩu... Nên hễ trúng mùa là rớt giá ngay”.

Nhiều thương lái cho biết, chủ yếu họ mua cho kênh chế biến và phân phối nội địa, mua theo đặt hàng của các nhà máy chế biến tại địa phương (theo chỉ đạo của UBND tỉnh và ngành NN-PTNT). Ông Nguyễn Văn Tư, chủ ghe thu mua lúa 150 tấn đang giao hàng ở Cái Răng (TP Cần Thơ), giải thích: “Chúng tôi đang ưu tiên mua lúa chỗ quen biết, giao cho các hợp đồng chế biến cũ...”.

Tại Hậu Giang, ước tính vụ hè thu này tỉnh vẫn còn khoảng 300.000 - 400.000 tấn lúa chưa tiêu thụ được. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó tổng giám đốc Công ty CP lương thực Hậu Giang, nói: “Công ty có tổ chức các điểm trực tiếp thu mua lúa của dân đặt tại huyện, nhưng số lượng thu mua vẫn rất thấp. Hầu hết nông dân chủ yếu ở xa nhà máy, quen bán lúa qua thương lái, sau đó thương lái mới bán lại cho công ty và các nhà máy xay xát - lau bóng gạo xuất khẩu...”. Theo ông Minh, hiện nay giá thu mua lúa hàng hóa của công ty đang dao động từ 3.800 - 3.900 đồng/kg. “Nhưng đây là giá mua loại lúa tốt và nông dân phải vận chuyển đến tận kho của công ty để bán”, ông Minh nói.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, xác nhận: “Ngành nông nghiệp cũng đang chỉ đạo thu mua lúa tồn trữ để đảm bảo mua hết lúa cho nông dân. Tuy nhiên, các DN mua với số lượng còn rất hạn chế...”. Ông Đồng xác nhận lượng lúa tồn trong dân rất lớn do giá xuống thấp, ít thương lái thu mua. Người dân cũng đang có tâm lý chấp nhận neo lại, chờ giá lên vì bán lúc này sẽ lỗ trắng tay.

Theo ngành NN-PTNT, một số tỉnh có sản lượng lúa lớn như An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ... tình trạng tồn đọng lúa trong dân dù chưa căng thẳng như vụ hè thu 2008, nhưng cũng đang nóng lên vì giá lúa quá thấp.

Lê An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.