“Lướt” khi thị trường ít “sóng”

31/07/2009 22:19 GMT+7

Sau vài phiên tăng mạnh, TTCK đang trở lại tình trạng “lình xình” kéo dài gần 2 tháng qua. Sử dụng chiến thuật gì để đầu tư trên thị trường này là bài toán không dễ với nhiều người.

Theo Công ty chứng khoán VN Direct, đầu tư ngắn hạn chịu rủi ro do chu kỳ T+3 (sau khi bán hoặc mua chứng khoán 3 phiên, tiền hoặc chứng khoán mới về tài khoản) khá rõ ràng lúc này. Trong điều kiện hiện nay, thị trường khó kéo dài chuỗi tăng/giảm đủ để "phủ"lên chu kỳ T+3 để nhà đầu tư (NĐT) cơ hội có thể tính toán lướt sóng nếu đầu tư theo cách "thủ công" là mua vào và chờ đợi thị trường tăng điểm liên tục3 phiên. Vì vậy, muốn “lướt sóng” tại thời điểm này, các NĐT phải tự tạo ra cơ hội cho mình. Nói cách khác là phải có chiến thuật để khắc phục được hạn chế của chu kỳ T+3. Theo đó, NĐT mua một khối lượng CP, trong thời gian chờ hết chu kỳ T+3, nếu CP này giảm giá thì NĐT tiếp tục mua vào một hoặc vài đợt với số lượng bằng hoặc nhiều hơn số CP đang có, với các mức giá khác nhau và tiếp tục tìm cơ hội “lướt sóng” với những CP này, lợi nhuận thu được có thể bù hoặc đạt nhiều hơn mức lỗ của số CP mua với giá cao đầu tiên.

"Lợi nhuận không cao nhưng ra vào liên tục cũng có ăn", một NĐT ngắn hạn chuyên nghiệp cho biết. Đây là cách "lướt" đang được nhiều NĐT có kinh nghiệm trên thị trường ưa thích. Chị M., một NĐT có tài khoản tại Công ty chứng khoán Kim Eng - cho biết, chị mua vào 1.000 CP DPM của Công ty CP Phân đạm và Hóa chất dầu khí (DPM) hồi giữa tháng 6 với giá 45.000 đồng/CP. Mấy phiên sau đó, thị trường mất điểm chị tiếp tục mua thêm 1.000 CP DPM với giá 41.000 đồng/CP. Ngay khi DPM đạt 45.000 đồng/CP trở lại, chị lập tức bán ra 1.000 CP vừa mua. "Không có sóng này thì có sóng khác chứ nếu cứ ngồi im đợi tự số CP mua giá cao hòa hoặc có lời trở lại thì biết đến bao giờ" - chị M. nói.

Nhiều NĐT có vốn lớn thì đầu tư theo thị trường... xuống. Nghĩa là khi thị trường bắt đầu xu thế giảm, NĐT mua vào một lượng CP nhiều gấp đôi số CP đang giữ và cứ tiếp tục như vậy. Chờ đến phiên thị trường tăng điểm, NĐT bán ra và có thể gỡ hòa hoặc thu lợi nhuận cao. "Cách này thắng thì dễ thắng lớn nhưng rủi ro cũng rất cao, nhất là những lúc thị trường giảm điểm kéo dài, NĐT không đủ lực để theo", một NĐT giàu kinh nghiệm lưu ý.

Ở thời điểm thị trường sụt giảm kéo dài năm 2008, một cách đầu tư đã được nhiều NĐT sử dụng để khai thác những cơ hội ít ỏi trên thị trường là "mượn" CP để lướt sóng. Lúc đó do giá CP giảm quá mạnh, nhiều người ngưng hoàn toàn giao dịch, bỏ mặc số CP đã mua với giá cao trong tài khoản. Những NĐT “lướt sóng” đã thỏa thuận mượn số CP này để “lướt” và sẽ mua hoàn trả lại sau đó kèm theo một khoản phí. Dù cách thức này chỉ áp dụng giới hạn giữa những người quen biết, tin tưởng nhau nhưng cũng đã gặp khá nhiều rủi ro, tranh chấp.

Theo một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM, những cách thức “lướt sóng” của các NĐT đã làm tăng thanh khoản của thị trường ở những giai đoạn thị trường sụt giảm. Tuy nhiên, những cách “lướt” này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì cho dù có áp dụng kỹ thuật đầu tư gì thì quan trọng nhất vẫn là phải đánh giá chính xác các chỉ số tài chính, những dự án tiềm năng, mức cổ tức và mức tăng trưởng của CP mà mình quyết định đầu tư. Việc “lướt sóng” trong khi thị trường chưa rõ về xu hướng chỉ có thể phù hợp với số ít NĐT giàu kinh nghiệm, những NĐT mới tham gia thị trường tuyệt đối không áp dụng cách thức này vì rất dễ bị “sóng đè”.

Nguyên Hằng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.