Masan: ‘Sức mạnh’ hệ sinh thái Tiêu dùng - Bán lẻ cho người dùng đủ tiện ích

02/07/2020 08:30 GMT+7

Thách thức đặt lên vai tân thuyền trưởng 8X Danny Le, người được tỉ phú Nguyễn Đăng Quang đánh giá tuổi trẻ tài cao.

Nhiệm vụ trước mắt là làm sao cải thiện khả năng sinh lời của hệ thống bán lẻ VinCommerce (VCM), phát huy tối đa được sức cộng hưởng của hệ sinh thái Tiêu dùng - Bán lẻ đưa các sản phẩm mới đến tay người tiêu dùng hài lòng nhất.
Ông Danny Le - Tổng giám đốc Tập đoàn Masan

Ông Danny Le - Tổng giám đốc Tập đoàn Masan

Tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2020 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đăng Quang Chủ tịch HĐQT Masan Group (MSN) chia sẻ, năm 2019 là năm bản lề cho sự chuyển đổi 5 năm tới (giai đoạn 2020 - 2025) của Tập đoàn. Cuối năm ngoái, Masan Group nhận sáp nhập thêm VCM, một trong những hệ thống bán lẻ hiện đại quy mô lớn nhất nội địa từ Tập đoàn Vingroup, qua đó hoàn thiện nền tảng “Tiêu dùng - Bán lẻ” thực thụ. Có thêm hàng loạt điểm tương tác kết hợp với công nghệ giúp Masan Group có thể kết nối liền mạch với khách hàng. Không dừng lại, kế hoạch tương lai của Masan Group là xây dựng phương thức bán hàng đa kênh (omni - channel) để kích cầu tiêu dùng lớn bằng cách cung cấp danh mục sản phẩm và dịch vụ đa dạng.
Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan tại đại hội Cổ đông MSN 2020

Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan tại đại hội Cổ đông MSN 2020

Masan Group hiện đang có vị thế hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm - đồ uống với nhiều dòng sản phẩm chiếm lĩnh thị trường (bao gồm nước mắm, nước tương, tương ớt, mì gói…). Đầu năm, việc mua 52% cổ phần Bột giặt Netco, qua đó đưa Masan vào danh mục nhóm sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình.
Để có được quy mô như hiện tại, công ty thực hiện chiến lược M&A trong suốt nhiều năm, đạt tốc độ tăng trưởng kép tới 31% (giai đoạn 2009 - 2019). Nhưng ban lãnh đạo Masan Group nói rằng, không phải mua doanh nghiệp chỉ để mua doanh thu. Công ty đầu tư vào thương hiệu, nguồn nhân lực, công nghệ, hệ thống phân phối để có thể củng cố vị thế khi vào ngành hàng mới, và chú trọng thực hiện chuyển đổi hoạt động của doanh nghiệp đó sau sáp nhập.
Năm nay, mục tiêu của Masan Group vẫn là đặt mức tăng trưởng doanh thu hai chữ số, đồng thời lợi nhuận sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm. Nhiệm vụ quan trọng đối với đội ngũ Masan Group sẽ bao gồm: Cải thiện tính hiệu quả của VCM, đưa biên EBITDA của công ty này về từ -3% đến 0%, đạt mô hình hòa vốn vào nửa cuối năm. Để đạt được mục tiêu này, Công ty The CrownX được thành lập để vận hành và sẽ sở hữu lợi ích kinh tế của Masan Group trong VCM và MCH cùng với đó là xây dựng hạ tầng để số hóa toàn bộ nền tảng.
VCM sẽ tiếp tục củng cố thị phần kênh bán lẻ tại thị trường Hà Nội, mở cửa hàng có chọn lọc tại khu vực ngoại, đóng cửa các cửa hàng không có khả năng hòa vốn. Tại thị trường TP.Hồ Chí Minh và các đô thị loại 2, nơi cạnh tranh quyết liệt hơn, VCM chú trọng vào địa phương hóa danh mục sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu của người tiêu dùng…
- MCH cộng hưởng cùng VCM tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu trên 15% và tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số. Từ đầu năm, Masan Group tung ra thị trường nhiều dòng sản phẩm tiêu dùng mới.
- Với Masan MEATLife, sau hơn một năm cho ra mắt thị trường thương hiệu thịt mát MEATDeli, năm 2020 là giai đoạn lý tưởng cho kế hoạch tăng tốc. Ban lãnh đạo đề ra mục tiêu mở rộng quy mô thịt mát có thể chiếm ít nhất từ 20 - 25% doanh thu thuần MML.
Cơ sở của kế hoạch này là tổ hợp chế biến thịt Long An công suất 140.000 tấn/ năm dự kiến vận hành vào quý III/2020 giúp MML giảm chi phí và thời gian vận chuyển đến người tiêu dùng phía Nam. Ngoài thịt mát, các nhà máy cũng sẽ sản xuất các sản phẩm thịt chế biến như thịt kho, giò lụa, chà bông… công suất 15.000 tấn/ năm. Sản phẩm thịt mát MEATDeli đang chiếm 60% thị phần trong các kênh siêu thị VinMart và thử nghiệm thành công tại VinMart+.
Đối với mảng thức ăn chăn nuôi, hoạt động kinh doanh sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ tái đàn của người dân. Một đơn vị khác là Masan High-Tech Materials (Trước đây là Masan Resources) sẽ tập trung hoàn thành việc tích hợp nền tảng của H.C. Starck mà công ty này vừa hoàn tất việc mua lại để trở thành nhà chế biến sản phẩm vonfram cận sâu (midstream) giá trị gia tăng trên toàn cầu, qua đó giảm bớt rủi ro biến động giá vonfram theo chu kỳ hàng hóa.
Trên con đường tăng trưởng của Masan Group 5 năm tới, vị trí người điều hành chào đón ông Danny Le thay thế cho ông Nguyễn Đăng Quang người sáng lập Tập đoàn. Ông Danny Le đã có 10 năm tham gia vào bộ máy của Masan Group. Ông Danny Le hiện đang nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT cả Masan MeatLife, Masan High-Tech Materials và Masan Consumer - ba trụ cột trong hệ sinh thái Masan Group. Dùng từ “bọn trẻ” để nói về thế hệ lãnh đạo mới trong Tập đoàn, nhưng ông Nguyễn Đăng Quang cũng nói thêm “tài năng thì không đợi tuổi” cùng sự tin tưởng đội ngũ mới sẽ tiếp tục dẫn dắt Masan Group tăng trưởng.
Trước mắt, Masan Group đang trong quá trình chuẩn bị nguồn tiền mặt để vượt qua khó khăn nếu đại dịch COVID-19 kéo dài, bên cạnh đó vẫn phải sẵn sàng đầu tư vào các hoạt động kinh doanh chiến lược thông qua M&A.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.