Liên tục “lùi đích”
UBND TP.HCM vừa gửi văn bản kiến nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) điều chỉnh kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 và bố trí kế hoạch vốn năm 2019 từ nguồn vốn T.Ư cấp phát cho các dự án ODA tại TP để đảm bảo đủ vốn thực hiện trong năm nay. Đặc biệt, UBND TP đề nghị Bộ KH-ĐT nhanh chóng hỗ trợ, hướng dẫn TP hoàn thành thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư hai dự án tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến metro số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương). Do chưa được thông qua, 2 dự án trọng điểm của TP vẫn chưa được giải ngân để đảm bảo khai thông nguồn vốn, về đích đúng kế hoạch dự kiến.
tin liên quan
TP HCM xin ứng 2.150 tỉ cho tuyến metro số 1 tránh phát sinh khiếu kiệnTrước đó, ngày 11.2, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ KH-ĐT, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, UBND TP thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư hai dự án metro; giao Bộ KH-ĐT chủ trì hướng dẫn TP.HCM thẩm định, phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, báo cáo Thủ tướng, Thường trực Chính phủ để bảo đảm hoàn thành chất lượng, đúng tiến độ. Kết luận này của Phó thủ tướng cùng ý kiến đồng ý của Bộ Chính trị trước đó được kỳ vọng sẽ gỡ khó cho TP, đưa “giấc mơ” metro của người dân TP.HCM nhanh chóng thành hiện thực. Thế nhưng tới nay đã gần 5 tháng, UBND TP vẫn chưa nhận được hướng dẫn từ Bộ KH-ĐT.
“Hiện công tác đấu thầu của tuyến metro số 2 đang phải tạm ngưng để chờ hoàn tất thủ tục pháp lý. Chỉ khi được thông qua chủ trương tăng vốn, các bước tiếp theo của dự án mới có thể triển khai. Nếu được thông qua trong quý 4 năm nay, tuyến metro có thể về đích đúng hẹn 2026. Tiến độ của dự án phụ thuộc vào việc hoàn thành thủ tục tăng vốn”, ông Lê Văn Khoa thông tin.
Tăng chi phí giải phóng mặt bằng
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng đang là một trong những khó khăn nguy cơ dẫn đến chậm tiến độ dự án metro số 2. Cụ thể, công tác GPMB của dự án đang bị dừng lại, một số quận đã tiến hành thủ tục trả vốn. Nguyên nhân do UBND TP chưa thông qua kế hoạch tái định cư nên dù đã bố trí nguồn vốn nhưng các quận không thể giải ngân và đã đề xuất hoàn trả. Đồng thời, cơ sở pháp lý thực hiện công tác bồi thường GPMB thay đổi, dẫn tới thay đổi chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư. Chưa kể chứng thư thẩm định giá bồi thường cũng đã hết hiệu lực. Như vậy, công tác GPMB của dự án hiện đã chậm 2 năm so với kế hoạch ban đầu.
Để giải quyết vấn đề này, Ban Quản lý dự án kiến nghị Hội đồng Thẩm định bồi thường TP.HCM xem xét và trình UBND TP thông qua đơn giá bồi thường; Tổ công tác nhanh chóng tổ chức họp, rà soát, thống nhất với các quận và sở, ngành liên quan tiếp tục triển khai các thủ tục cần thiết để chi trả bồi thường, thu hồi đất và bàn giao mặt bằng.
Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã có văn bản chỉ đạo Tổ công tác bồi thường GPMB tuyến này khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ nhằm đảm bảo mục tiêu hoàn thành công tác GPMB để bàn giao cho Ban Quản lý đường sắt đô thị vào tháng 6.2020.
Đại diện Ban Quản lý dự án 2, hiện các quận, huyện đang tiến hành rà soát thủ tục pháp lý về phương án bồi thường, chủ trương cập nhật theo chính sách giá T2 mới có lợi hơn cho người dân. Kể cả những hộ dân đã tạm nhận tiền ứng bồi thường trước đó cũng sẽ được bổ sung theo mức giá mới. “Tổng chi phí cho công tác GPMB của tuyến metro số 2 dự kiến khoảng 3.500 tỉ đồng từ ngân sách TP. Do quá trình triển khai chậm, cùng với việc điều chỉnh giá 2 nên chi phí bồi thường chắc chắn sẽ tăng hơn so với con số ban đầu. Tuy nhiên do GPMB đã được chia thành dự án thành phần riêng nên việc tăng này không ảnh hưởng tới tổng mức đầu tư đang trình thông qua của tuyến metro số 2”, vị này nói.
1.200 tỉ đồng làm dự án nối 2 tuyến metroÔng Lê Văn Khoa, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM), cho biết theo thiết kế, tuyến metro số 2 chỉ kết nối hành khách đến ga Tao Đàn, còn khoảng 900 m để tới ga Bến Thành, kết nối cùng tuyến số 1. Đoạn hầm metro kéo dài từ ga Tao Đàn còn cách ga Bến Thành khoảng 100 m. Do đó, TP chủ trương giao Ban Quản lý nghiên cứu thành lập dự án riêng kết nối 2 tuyến metro, hình thành nhà ga trung tâm tại ga Bến Thành. Đây là dự án nhóm b có tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỉ đồng, tổng diện tích sàn sử dụng khoảng 2.500 m2.
Ga Bến Thành sẽ tích hợp trở thành trung tâm thương mại và nếu được triển khai sớm, dự án có thể làm theo hình thức PPP, kêu gọi nhà đầu tư vừa tham gia xây dựng, vừa kinh doanh dịch vụ thương mại. Trong trường hợp khó xã hội hóa sẽ sử dụng ngân sách TP. Dự án sẽ được triển khai đồng thời với tuyến số 2, dự kiến hoàn thành thi công 2025, đưa vào hoạt động năm 2026.
|
Bình luận (0)