Mỹ là thị trường lớn thứ 2 của trái cây Việt Nam

Nguyên Nga
Nguyên Nga
11/01/2020 20:36 GMT+7

Ông Benjamin Petlock - tùy viên cấp cao lĩnh vực nông nghiệp (Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM) thông tin như trên tại buổi lễ ra mắt thương hiệu Sunkist Growers với sản phẩm cam Navel (Mỹ) tại TP.HCM sáng 11.1.

Dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (United States Department of Agriculture - USDA), ông Benjamin Petlock cho biết, xuất khẩu trái cây tươi của Mỹ vào Việt Nam trước khi có sản phẩm cam Navel đã đạt 97 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2019, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. “Sự tăng trưởng mạnh mẽ này đã giúp Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu trái cây lớn thứ 9 trên toàn cầu của Mỹ. Đáng lưu ý, Mỹ hiện là thị trường lớn thứ hai của trái cây Việt Nam”, ông Benjamin Petlock nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Nông nghiệp Mỹ, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, Sunkist và doanh nghiệp Mỹ tại buổi ra mắt thương hiệu Sunkist tại TP.HCM

Ảnh: Ng.Nga

Cam Mỹ được giới thiệu tại Vạn Hạnh Mall (Q.10, TP.HCM) ngày 11.1

Ảnh: Ng.Nga

Cam Navel chủ yếu được trồng tại bang California (Mỹ), có màu vàng tươi và không hạt. Thành lập từ năm 1893, Sunkist là một hiệp hội phi lợi nhuận của Mỹ. Theo ông Benjamin Petlock, Sunkist gia nhập thị trường Việt Nam vào thời điểm kỷ niệm 25 năm quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ và thương mại nông nghiệp là một trong những lĩnh vực trọng tâm trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Tại buổi lễ giới thiệu sản phẩm cam Navel, Sunkist cũng tổ chức làm nhiều món xà lách được kết hợp cam Navel, quả bơ Việt… mời khách tham dự thưởng thức.

Nhiều món xà lách được chế biến từ cam Mỹ, quả bơ Việt được giới thiệu tại sự kiện

Ảnh: Ng.Nga

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, hết tháng 11.2019, Việt Nam đã nhập khẩu rau củ quả 1,62 tỉ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong số này, mặt hàng trái cây chiếm khoảng 2/3 giá trị, tương đương gần 1,1 tỉ USD, nhập khẩu từ Mỹ khoảng 262 triệu USD. Theo lộ trình giảm thuế của các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, dự kiến trái cây ngoại sẽ còn đổ vào Việt Nam nhiều hơn do giá ngày càng rẻ, đặc biệt trái cây từ Mỹ. Năm 2019, đã có nhiều sự kiện giới thiệu trái cây của Mỹ vào Việt Nam. Cụ thể, Ủy ban táo Washington đã tổ chức chương trình quảng bá trên khắp 12 tỉnh thành phố nhằm gia tăng lượng tiêu thụ tại Việt Nam, Hiệp hội việt quất Mỹ cũng đã tổ chức các chương trình khuyến mãi tại 104 cửa hàng ở 35 tỉnh thành trong cả nước. Năm 2018, xuất khẩu táo của Mỹ sang Việt Nam đạt 51 triệu USD, tăng trưởng 48% so với năm 2017, đưa Việt Nam thành thị trường xuất khẩu táo lớn thứ 5 của Mỹ trên toàn thế giới. Trong năm 2019, xuất khẩu táo từ Mỹ sang Việt Nam cao hơn 10 triệu USD so với năm 2018.
Ở chiều ngược lại, đến nay, đã có 6 loại quả của Việt Nam gồm: thanh long, chôm chôm, vải, nhãn, vú sữa và xoài đã vào được thị trường khó tính Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.