Năm Căn, địa chỉ đầu tư hấp dẫn

29/04/2021 14:28 GMT+7

Với vị trí đặc biệt và được quy hoạch trở thành một trong những đô thị động lực của tỉnh Cà Mau, chính quyền và nhân dân H.Năm Căn đang ngày đêm chung sức xây dựng quê hương vươn lên xứng với tiềm năng và lợi thế.

Năm Căn - địa danh anh hùng

Năm Căn là huyện “vùng sâu, vùng xa” của tỉnh Cà Mau, diện tích tự nhiên hơn 49.500 ha, dân số hơn 66.600 người, gồm 7 xã và 1 thị trấn. Sau nhiều lần chia tách với nhiều tên gọi khác nhau, đến ngày 1.1.2004, huyện Năm Căn được tái lập và đi vào hoạt động cho đến nay.
Theo những người cao niên tại địa phương, khoảng trước năm 1946, thực dân Pháp gọi đây là Năm Căn vì hồi đó nơi đây có một dãy nhà gồm 5 căn là nơi lựa tôm cá của ngư dân đóng đáy bè. Dân chúng quen gọi là “Năm Căn”, lâu ngày thành địa danh.
Ngày 15.4.1968 là dấu mốc có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử của quân và dân Năm Căn. Thời điểm đó, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng Năm Căn ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương đã hòa chung với khí thế cả miền Nam tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn chi khu Năm Căn. Đây là chi khu đầu tiên trong tỉnh được giải phóng. Từ đó, ta giải phóng một vùng rộng lớn ở khu rừng đước, xây dựng nơi đây thành hậu phương, vùng căn cứ cách mạng không chỉ cho huyện, tỉnh mà cho cả khu Tây Nam bộ.
Ông Lê Văn Đức, Phó trưởng ban Tuyên giáo H.Năm Căn, cho biết bước ra khỏi chiến tranh, từ hoang tàn đổ nát, Năm Căn bắt tay xây dựng lại từ đầu và từng bước hồi sinh. Có thể nói, Năm Căn vào thời điểm đó là “xứ bốn không”: không điện, không đường, không trường, không trạm. Vì thế, đời sống vật chất lẫn tinh thần còn kém xa so với nhiều nơi trong tỉnh.
“Nếu như khoảng 10 năm trước, người dân Năm Căn- Đất Mũi về TP.HCM hành trình khoảng 2 ngày bằng những chuyến tàu đêm ra TP.Cà Mau, thì ngày nay tiếng tàu đêm đã lùi vào dĩ vãng. Bây giờ, khi mà đường Hồ Chí Minh qua Năm Căn về tận Đất Mũi, để rồi từ đó tỏa đi muôn nơi, những chuyến xe hối hả ngược xuôi mang theo bao khát vọng, góp phần thay đổi diện mạo của đời sống người dân nơi đây”, ông Lê Văn Đức phấn khởi.
Thời kỳ đầu mới chia tách huyện, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 13% thì đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 3,18%; hơn 99% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Nếu như sau ngày thống nhất đất nước tỷ lệ nhà ở kiên cố, bán kiên cố chỉ trên đầu ngón tay thì ngày nay chiếm hơn 83%; hầu hết các hộ gia đình đều có phương tiện nghe - nhìn, có 3/7 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới; giáo dục và y tế so với những nơi khác không còn khoảng cách, có lĩnh vực còn vượt trội hơn như số trường đạt chuẩn quốc gia là 25/31 trường (đạt hơn 80,6%), đứng đầu tỉnh.
Hiện Năm Căn đã hình thành được một số mặt hàng chủ lực, đặc thù của huyện và có thị trường tiêu thụ ổn định như: cua Năm Căn, sò huyết, bánh phồng tôm, tôm giống và cua giống… đặc biệt là mặt hàng tôm. Tính trong 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của địa phương ước đạt 200 triệu USD.
Bên cạnh đó, các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao trong cơ cấu kinh tế; thu nhập bình đầu người đạt 52 triệu đồng/năm, tăng gấp 7 lần khi mới chia tách huyện.
	Công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở H.Năm Căn được quan tâm, tạo động lực cho phát triển kinh tế. Ảnh: Hoàng Vũ

Công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở H.Năm Căn được quan tâm, tạo động lực cho phát triển kinh tế

Ảnh: Hoàng Vũ

Điểm đầu tư hấp dẫn

Là trung tâm kinh tế của tiểu vùng năm Cà Mau với tam giác động lực là Năm Căn - Tân Ân - Đất Mũi, H.Năm Căn đã và đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ, mọi mặt kinh tế và đời sống của người dân không ngừng được nâng lên. Bên cạnh đó, công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được quan tâm, tạo động lực cho phát triển kinh tế. Đặc biệt từ khi tuyến đường Hồ Chí Minh hoàn thành, tốc độ đô thị hóa của Năm Căn phát triển nhanh chóng, các hoạt thương mại dịch vụ phát triển sôi động.
Ông Lê Văn Ngời, Chủ tịch UBND H.Năm Căn, cho biết trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã xác định địa bàn H.Năm Căn là vùng kinh tế biển và ven biển, từng bước xây dựng Năm Căn thành trung tâm kinh tế động lực ven biển với khu kinh tế Năm Căn. Ngoài ra, thị trấn Năm Căn đã và đang đầu tư để phấn đấu trở thành đô thị động lực, cùng với đô thị Sông Đốc (H.Trần Văn Thời) hình thành tam giác phát triển Cà Mau - Năm Căn - Sông Đốc. H.Năm Căn còn có 2 mặt giáp biển (phía đông giáp Biển Đông, phía tây giáp vịnh Thái Lan), thuận lợi phát triển giao thông đường thủy, du lịch thủy, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, rừng ngập mặn....
Ngoài ra, trên địa bàn thị trấn Năm Căn còn có sân bay Năm Căn, hiện đang phục vụ công tác quốc phòng - an ninh và thăm dò, khai thác dầu khí, có thể kết hợp với các dịch vụ du lịch như vận chuyển hành khách tham quan du lịch…, dự kiến sẽ được đầu tư xây dựng, nâng cấp và đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.
UBND H.Năm Căn cho biết huyện đã và đang từng bước sắp xếp, di dời các trụ sở cơ quan, trường học đến nơi phù hợp nhằm chủ động tạo quỹ đất sạch lớn để mời gọi nhà đầu tư; đồng thời huy động mọi nguồn lực từng bước chỉnh trang các khu dân cư đô thị Năm Căn. Hoạt động thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Năm Căn cũng đang được triển khai tích cực.
H.Năm Căn đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ, mọi mặt kinh tế và đời sống của người dân không ngừng được nâng lên. Ảnh: Hoàng Vũ

H.Năm Căn đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ, mọi mặt kinh tế và đời sống của người dân không ngừng được nâng lên

Ảnh: Hoàng Vũ

Theo ông Lê Văn Ngời, Năm Căn đã và đang xây dựng và phát triển với các ngành chủ chốt là công nghiệp cơ khí, đóng mới sửa chữa tàu biển, lắp ráp máy, điện tử, công nghiệp chế biến hàng thủy sản xuất khẩu, công nghiệp và dịch vụ dầu khí, may mặc, vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng cùng các ngành công nghiệp bổ trợ khác.
Để Năm Căn phát triển nhanh và bền vững trong tương lai, huyện đặt mục tiêu đến năm 2025, địa phương sẽ khai thác và sử dụng có hiệu quả hơn nữa các nguồn lực; đặc biệt ưu tiên cho các dự án trọng điểm có sức ảnh hưởng tạo động lực cho phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Bên cạnh đó, huyện thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, công tác chăm sóc sức khỏe, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.