Ngăn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè làm hồ chống ngập?

16/04/2016 07:20 GMT+7

Đề xuất tận dụng tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè làm hồ điều tiết để chống ngập ngày càng nghiêm trọng ở TP.HCM đang gây nhiều tranh cãi.

Đề xuất tận dụng tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè làm hồ điều tiết để chống ngập ngày càng nghiêm trọng ở TP.HCM đang gây nhiều tranh cãi.

Kỹ sư thủy lợi Lê Thành Công, Giám đốc Công ty tư vấn thoát nước D&C - người đề xuất giải pháp nêu trên, cho biết trước mắt nên tận dụng tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NL-TN) có chiều dài 9,4 km, rộng bình quân 38 m để giải quyết ngập cho TP. Sau đó mở rộng việc tận dụng các lòng kênh lớn trong TP để chứa nước và hỗ trợ lẫn nhau trong việc thoát nước liên lưu vực. "TP.HCM có lợi thế lớn là hệ thống kênh rạch tự nhiên phong phú, nên tận dụng để làm hồ điều tiết chứ không cần phải đi đào những khu đất để làm hồ, vừa tốn kém tiền của, lại còn mất đất", ông Công nói.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được đề xuất làm hồ điều tiết để góp phần giải quyết ngập - Ảnh: Diệp Đức MinhKênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được đề xuất làm hồ điều tiết để góp phần giải quyết ngập - Ảnh: Diệp Đức Minh
Theo đề xuất của ông Công, sẽ ngăn tuyến kênh NL-TN thành 4 đoạn hồ để điều khiển dễ dàng hơn. Khi đó, chỉ cần mở các cửa cống, cửa van tự động bằng cách bấm nút để điều tiết thoát nước. Bên cạnh đó, ông còn đề xuất xây dựng thêm một tuyến cống bao ngầm thu gom nước mưa nhằm giải quyết dứt điểm 69/79 điểm ngập do mưa trên địa bàn TP.HCM hiện nay.


Xây hồ chứa ở Bàu Cát không khả thi?
Bên cạnh đề xuất nêu trên, ông Công cũng phản đối đề xuất phương án xây hồ Bàu Cát do Trung tâm chống ngập TP đề xuất. Theo ông Công, Bàu Cát với địa hình cao hơn, là đường phân thủy giữa hai lưu vực NL-TN và Tân Hóa - Lò Gốm, nên không thể làm hồ để chứa nước. Nói cách khác, nguyên lý của hồ chứa nước là phải ở chỗ thấp, trên cao thì không thể làm hồ.


Có thể chứa hơn 1,4 triệu m3 nước
Ông Công cho biết sau quá trình theo dõi, nhóm nghiên cứu của ông phát hiện lượng mưa có sự thay đổi và dịch chuyển giữa các khu vực, quận - huyện trên địa bàn TP. Có khi cùng một thời điểm nhưng đoạn đầu của kênh NL-TN không mưa, đoạn cuối hoặc đoạn giữa lại mưa lớn. Ở phạm vi lớn hơn, có khi lưu vực NL-TN đang mưa lớn nhưng lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm lại không mưa. Hay như hiện nay, khu vực Q.7 thường có lượng mưa lớn nhất TP. Vì vậy, cần tính toán giải quyết ngập liên lưu vực. Chẳng hạn trong tình huống mưa ở lưu vực NL-TN quá lớn nhưng ở Tân Hóa - Lò Gốm (Q.6) không mưa thì chỉ cần xây dựng một tuyến cống ngầm xuyên qua Bàu Cát để “gửi nước nhờ” sang Tân Hóa - Lò Gốm, và ngược lại. Bởi khu vực Bàu Cát địa hình cao hơn, là thượng lưu ứng cứu của 2 tuyến kênh.
“Mình phải tận dụng ưu thế của Sài Gòn bởi con sông này hơn cả sông Chao Phraya (Thái Lan). Biên triều sông Chao Phraya rất thấp, trong khi biên triều của sông Sài Gòn rất cao, từ 1,3 - 1,6 m và nay đã xuống -2,5 m tại trạm Phú An. Cơ chế triều của TP.HCM là bán nhật triều, đứng nước chỉ 1 giờ và 2 giờ là nước xuống, càng về sau chân triều càng xuống rất nhanh. Do vậy, trong 1 ngày TP.HCM có 2 lần xả nước là lợi thế rất lớn mà ít có đô thị nào có được”.
Ông Công chỉ rõ, cừ thép dọc tuyến kênh NL-TN sâu đến 38 m, hiện đã nạo vét sâu 2 - 2,5 m. Có nghĩa là cừ thép đang cắm vào trong bùn 31 m, lãng phí rất lớn. Vì vậy, cần đào thêm để đạt độ sâu 4,5 - 5 m từ miệng cống là có thể sử dụng để làm hồ điều tiết chống ngập hiệu quả. "Nếu chủ động hạ thấp mực nước trong kênh khi triều xuống hoặc đào sâu thêm khoảng 2 m nữa thì sẽ tạo được hồ chứa 1,4 triệu m3 nước, bảo đảm chứa hết toàn bộ nước trên lượng mưa 150 mm, tính chu kỳ mưa cho 5 năm, trên lưu vực 9,4 km2 của lưu vực NL-TN”.
Theo vị kỹ sư này, toàn bộ dự án gồm xây dựng các cửa cống, đào sâu thêm lòng kênh và kích tuyến cống thu gom nước ngầm, khoảng 300 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với các dự án chống ngập khác trên địa bàn TP.
Cống nhỏ “vô hiệu hóa” kênh lớn
TS Tô Văn Trường, chuyên gia tài nguyên nước và môi trường, cho rằng phương án đề xuất của ông Lê Thành Công không khả thi. Lý do, hiện nay đáy kênh NL-TN đã thấp hơn mực nước triều thấp nhất ngoài cửa kênh, nếu đào sâu vẫn không thể lợi dụng thể tích đó để chứa nước. Thực tế này được chứng minh khi TP.HCM đã nạo vét cải tạo các kênh Tham Lương - Bến Cát, Tàu Hủ - Bến Nghé... Đó là chưa kể, hai bên bờ kênh NL-TN đã được gia cố kè hóa, nếu đào sâu sẽ làm mất ổn định bờ kè. Mặt khác, hệ thống dẫn nước mưa từ trên đường muốn chảy xuống kênh NL-TN phải qua cống mà khả năng tải của cống chỉ đáp ứng với trận mưa khoảng 80 mm nên gặp trận mưa có vũ lượng lớn hơn vẫn bị ngập vì không thoát kịp ra kênh.
Ông Trường cho rằng từ bài học của kênh NL-TN đối với các vùng đang phát triển như H.Bình Chánh, Q.9... khi thiết kế chỉnh trang đô thị, hệ thống thoát nước ngoài xác suất thống kê chuỗi số liệu nhiều năm, cần tính đến yếu tố biến đổi khí hậu và bắt buộc phải có hồ điều tiết để tránh tình trạng chủ đầu tư lợi thì được hưởng nhưng gánh nặng giải quyết hậu quả ngập úng lại lấy ngân sách, cũng là tiền thuế của dân.
PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (WACC) thuộc ĐHQG TP.HCM, cũng tỏ ra quan ngại với đề xuất của kỹ sư Lê Thành Công. PGS-TS Phi cho rằng khi đào sâu thêm để trữ nước sẽ khiến nước kênh NL-TN bị ô nhiễm. Thực tế là khu vực cuối kênh thuộc địa phận Q.Tân Bình vẫn còn bị ô nhiễm nặng. Thứ nữa, hiện nay điểm yếu lớn nhất của hệ thống kênh NL-TN là đa số cống không đủ tiết diện thoát nước do lượng mưa ngày càng lớn vì biến đổi khí hậu. Các cống được thiết kế từ năm 2003 (do JICA lập thông qua Quy hoạch 752) chỉ chịu được lượng mưa 70 - 80 mm, nhưng hiện lượng mưa đã trên 100 mm khiến nước mưa không vào hết cống. Đó cũng là lý do khiến trung tâm chống ngập vừa qua đề xuất mua 63 xe bơm di động. Tuy nhiên, đề xuất này lại tỏ ra quá gấp gáp. Lưu vực kênh NL-TN cống quá nhỏ chưa kể các hố ga lại còn bị rác bít chặn. Vì vậy, để giải quyết ngập cần phải làm thông thoáng hệ thống cống.
Còn theo chuyên gia thủy lợi và chống ngập, PGS-TS Trịnh Công Vấn, việc sử dụng kênh rạch tự nhiên làm hồ điều tiết chống ngập thực ra không mới. Hiện nay, Quy hoạch 1547 mà TP.HCM đang thực hiện cũng với phương pháp tương tự nhưng quy mô lớn hơn. Để thực hiện Quy hoạch 1547, sắp tới khi xây dựng các tuyến cống ngăn triều ngoài cửa sông thì toàn bộ các kênh, rạch trong TP sẽ trở thành hồ điều tiết. “Tôi là tác giả thiết kế các tường kè của dự án cải tạo kênh NL-TN nên hiểu, nếu chặn tuyến kênh này ra nhiều khúc và đào sâu thêm thì cần phải xem xét, tính toán về kỹ thuật một cách hết sức chi tiết”, PSG-TS Vấn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.