Nghề trồng giá đỗ truyền thống

29/11/2016 11:39 GMT+7

Khác với cách ủ giá bằng chum, vại, thùng xốp... bà Trần Thị Khương (46 tuổi, trú khối phố 2, P.Trường Xuân (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) vẫn giữ nghề làm giá truyền thống bằng đất.

Hằng ngày, cứ khoảng 3 giờ sáng bà Khương lại thức dậy đi thu hoạch giá, cho kịp mang ra chợ bán và bạn hàng đến lấy. Bà Khương cho biết nghề làm giá đỗ truyền thống trên đất ở đây đã có từ rất lâu đời. Thời ông cha đã có sẵn rồi nên về sau cứ thế bà tiếp tục kế thừa cái nghề truyền thống này. Nghề làm giá đỗ rất tốn công lao động. Từ khâu làm đất, cho đến khâu nhổ giá, tất cả đều làm bằng phương pháp thủ công. Nhưng bù lại giá làm ra sạch, trắng, giòn và ngon hơn, nên rất được người tiêu dùng tin tưởng và ưa chuộng.
“Làm cái nghề này vất vả lắm, phải thức khuya dậy sớm. Do gia đình không có đất nên phải đi mượn đất của người khác để sản xuất, vì vậy muốn mở rộng quy mô cũng rất khó. Trước khi đưa giá ra chợ bán, giá phải được rửa thật kỹ. Nếu rửa mà còn bùn đất thì bạn hàng sẽ chê không lấy nữa. Với kinh nghiệm hơn 20 năm theo nghề, bà Khương chia sẻ, để cho cây giá đỗ có năng suất cao thì người làm giá phải tỉ mỉ và có kinh nghiệm trong khâu chọn giống. Để giá đỗ phát triển nhanh, cần chọn những hạt chất lượng cao, hạt nhỏ, đều, chắc, tỷ lệ nảy mầm cao. Bên cạnh đó việc làm giá sạch vẫn còn một số khó khăn như thời tiết, việc tưới nước nhiều hay ít quyết định chất lượng và độ nảy mầm của cây giá.
“Để cho cây giá đạt chất lượng, thì độ ẩm để cây giá phát triển rất cần thiết vì thế phải tưới nước thường xuyên vào mùa nắng, còn mùa mưa thì không được cho nước ngập úng, nếu nước ngập sẽ khiến cây giá bị hư, thối. Thời gian càng trôi về những ngày gần tết thì công việc lại bận rộn hơn. Cũng nhờ cái nghề này mà gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định và có tiền cho các con ăn học”, bà Khương chia sẻ thêm.
Làm giá đỗ bằng đất, tất cả các công đoạn đều bằng thủ công, lại thêm nguyên vật liệu tốn kém mà năng suất mang lại không cao, vì vậy hiện rất ít người còn theo cái nghề truyền thống này. “Dù khó khăn là vậy, nhưng tôi vẫn muốn giữ cái nghề làm giá bằng đất này để phát triển kinh tế gia đình. Cũng như đem lại một loại rau sạch, đảm bảo chất lượng trong từng bữa ăn cho mọi nhà. Mặt khác, góp phần để níu giữ cái nghề truyền thống”, bà Khương tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.