Người dân khi đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng ?

11/06/2019 07:51 GMT+7

Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết đang nghiên cứu bổ sung quy định người dân khi đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng nhằm thu tiền xử phạt vi phạm giao thông bằng cách trừ thẳng vào tài khoản.

Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến băn khoăn.

Tăng trách nhiệm người mua, bán xe

Theo Cục CSGT, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 8.051 vụ tai nạn giao thông, làm 3.755 người chết và 6.185 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ giảm 1.020, giảm 428 người chết và 864 người bị thương. 98% số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường bộ. CSGT cũng xử lý hơn 1,8 triệu vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông; phạt tiền gần 1.200 tỉ đồng; tạm giữ trên 21.000 ô tô, 258.000 xe máy và gần 3.000 phương tiện khác; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trên 174.000 trường hợp
Ngày 10.6, tại hội nghị thông tin báo chí về công tác trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2019, trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết đơn vị đang nghiên cứu sửa thông tư quy định về đăng ký xe (thay thế Thông tư 15/2014 của Bộ Công an) theo hướng tăng trách nhiệm của người mua, bán xe.
Theo đó, khi quyết định điều chuyển, bán, tặng, cho những xe đã đăng ký và được cấp biển số, trước khi bàn giao xe cho đơn vị quản lý, người sở hữu mới, chủ xe phải thu hồi, nộp lại đăng ký, biển số cho cơ quan đăng ký xe. Đồng thời, Cục CSGT kiến nghị bổ sung việc xử phạt đối với chủ xe không làm thủ tục đăng ký sang tên. Những xe đã mua bán qua nhiều chủ, nhưng không có chứng từ chuyển nhượng theo quy định, thì được giải quyết cho đăng ký sang tên.
“Do vướng vấn đề xác minh chủ phương tiện vi phạm nên hiện nay việc xử phạt “nguội” qua hình ảnh gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp cảnh sát gửi giấy mời mấy lần không đến tay người vi phạm, do chủ phương tiện thay đổi liên tục trong quá trình mua, bán xe song không nộp lại đăng ký”, trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng nói.
[VIDEO] Thông tư 15/2014 của Bộ Công anThủ tục đổi biển số khi mua xe cũ ở TP.HCM theo Thông tư 15/2014 của Bộ Công an - Video tư liệu

Còn nhiều băn khoăn

Ngoài ra, Cục CSGT cũng cho biết đang nghiên cứu bổ sung quy định người dân khi đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng. Mục đích của quy định này là để tiến tới xu hướng thu tiền xử phạt vi phạm giao thông bằng cách trừ thẳng vào tài khoản ngân hàng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, người vi phạm giao thông chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với những người sở hữu phương tiện hoặc có bằng lái xe.
“Nếu bắt vài triệu người đều phải lập tài khoản, chỉ để làm cơ sở xử phạt đối với một tỷ lệ nhỏ người vi phạm là thiếu cơ sở thực tiễn”, ông Quyền nói. Cũng theo chuyên gia này, tại các nước trình độ kinh tế phát triển hơn VN, đa phần người dân đều có tài khoản ngân hàng. Tại VN, nhiều người ở vùng sâu vùng xa không có nhiều cơ hội lập tài khoản ngân hàng.
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng đây là chủ trương có từ lâu, nhưng chưa có cơ chế phối hợp thực sự tốt giữa các cơ quan chức năng nên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Theo ông Thái, cần tháo gỡ những vướng mắc trong khâu thực hiện, thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. Cục CSGT Bộ Công an được giao làm việc với các bên liên quan cần phải chủ động trong việc này. Cụ thể, ngân hàng phải có quy định về mở tài khoản; tài khoản được mở phải có tiền. Việc xử phạt của CSGT cũng cần phải có một văn bản chung thống nhất giữa các bên để thực hiện.
Theo một chuyên gia giao thông, việc lập tài khoản làm căn cứ xử phạt cũng vướng mắc do chưa xác định được phạt người lái hay phạt chủ xe khi “phạt nguội” do việc xử phạt chỉ có thể căn cứ vào biển số xe để xác định chủ sở hữu chiếc xe. Để khắc phục tình trạng này, cần quản lý chặt chẽ việc sang tên đổi chủ phương tiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.