Nguy cơ gây lũng đoạn thị trường

Nguyên Nga
Nguyên Nga
08/06/2018 15:56 GMT+7

Theo VCCI, số lượng doanh nghiệp (DN) được cấp phép nhập khẩu xăng dầu không lớn, lại được giao hạn mức nhập khẩu hằng năm… là một trong những nguy cơ khiến thị trường xăng dầu có thể bị lũng đoạn.

Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) vừa có góp ý bằng văn bản liên quan Danh mục hàng hóa, thủ tục hành chính về quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (gọi tắt là danh mục) của Tổng cục Hải quan. Theo đó, tại mục 66 của danh mục quy định hạn mức tối thiểu nhập khẩu xăng dầu hằng năm phải do Bộ Công thương phân giao. Tuy nhiên, theo VCCI, quy định tại điều 33 của Nghị định 83 của Chính phủ quy định về quản lý xăng dầu, việc giao hạn mức này Bộ này chỉ giao cho “từng thương nhân có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu để làm thủ tục nhập khẩu với cơ quan hải quan”.
Trong khi đó, số lượng các DN được cấp phép nhập khẩu cũng không lớn, do các điều kiện kinh doanh được quy định tại Nghị định 83 rất cao mà chỉ một số ít thương nhân có tiềm lực tài chính lớn mới có thể tham gia thị trường. VCCI nhận định: “Như vậy, có thể hiểu đối với sản phẩm xăng dầu, Nhà nước quản lý bằng phương thức sử dụng mệnh lệnh hành chính buộc DN phải nhập khẩu một số lượng xăng dầu tối thiểu hằng năm… Trên thực tế, phương thức này có thể thích hợp trong bối cảnh trước đây, khi số lượng đầu mối xăng dầu hạn chế chỉ ở một số ít các DN theo chỉ định của Bộ Công Thương và thị trường luôn hiện hữu nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nếu các DN này cố ý nhập khẩu ít để tạo khan hiếm trên thị trường”.
Trong bối cảnh hiện nay, quyền nhập xăng dầu đều “mở” cho bất kỳ DN nào đáp ứng điều kiện để được cấp phép, DN tuần thủ pháp luật cạnh tranh… nên việc lo ngại độc quyền gây thiếu hụt nguồn cung là không thỏa đáng và không có căn cứ. VCCI nhấn mạnh việc áp cách quản lý kiểu giao hạn mức như trên là một trong những nguy cơ khiến nguồn cung của thị trường xăng dầu có thể bị lũng đoạn bởi các thương nhân đầu mối này. Thứ nữa, Nghị định 83 cũng như Thông tư 38 hướng dẫn Nghị định 83 không có quy định nào về tiêu chí để cơ quan nhà nước quyết định các hạn mức cho thương nhân. “Điều này khiến cho quy trình trở nên thiếu minh bạch và tạo ra dư địa cho tình trạng phân biệt đối xử giữa các DN nhập khẩu xăng dầu”, văn bản của VCCI nêu.
VCCI đề nghị nên bỏ mục 66 quy định “hạn mức tối thiểu nhập khẩu xăng dầu hàng năm do Bộ Công Thương phân giao”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.