Đó là câu chuyện được chia sẻ tại hội thảo "Tắc tiền sử dụng đất" do báo Thanh Niên tổ chức sáng 10.9 của ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành liên quan đến 2 loại dự án: nhà ở thương mại và nhà ở xã hội.
Tư vấn cũng bó tay
Những dự án nhà ở thương mại được giao đất vào các năm 2012, 2013, 2014, 2015 đến nay vẫn không tính tiền sử dụng đất được mặc dù đã được Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) TP.HCM hỗ trợ để hoàn tất nhưng bất thành. Ông Nghĩa nói thẳng: "Theo tôi biết, vướng ở đây là những quy định liên quan Thông tư 36/2014 của Bộ TNMT quy định chi tiết về phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất đối với một số dự án nằm trong giai đoạn 2014, 2015…".
Khi tính tiền sử dụng đất, có số liệu mà đơn vị tư vấn lập hồ sơ không thể lấy được. Đó là giá thị trường của dự án tương đương tại cùng thời điểm. Giá này thường phải lấy từ văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc các cơ quan công chứng. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn không lấy được, lại nhờ doanh nghiệp đi xin. Doanh nghiệp đến văn phòng công chứng ở Q.Bình Tân, song cuối cùng cũng không sử dụng được vì… giá bán của người dân giao dịch tại thời điểm đó thực ra không phải là giá thị trường, giả sử một căn nhà thực mua 2 tỉ đồng, ra hợp đồng công chứng chỉ có giá 1 tỉ đồng. Thế nên, khi tư vấn lấy số liệu đó áp dụng sẽ khiến tiền sử dụng đất bị âm.
|
Vấn đề kế tiếp nữa là chọn phương án tính tiền sử dụng đất theo phương án giá trị thặng dư thì giữ lại phần giá trị lợi nhuận của doanh nghiệp (giả sử 20%), nhưng cách tính lại yêu cầu cung cấp giá trị lợi nhuận của doanh nghiệp cùng lĩnh vực trên địa bàn, nhưng lợi nhuận là bí mật kinh doanh! Nếu cấp giá trị cũng không thật, dẫn đến chuyện khi tính giá trị tiền, lợi nhuận, chi phí vay ngân hàng… thì cuối cùng tiền sử dụng đất cũng âm tiếp.
“Đơn vị tư vấn không hoàn tất được hồ sơ xin nộp tiền sử dụng đất cho dự án, mặc dù Sở TNMT có hỗ trợ, nhưng đến bây giờ Công ty Lê Thành vẫn không thể đóng tiền sử dụng đất để xin cấp sổ hồng cho khách hàng. Đã có rất nhiều cuộc họp giữa doanh nghiệp và đơn vị quản lý, nhiều văn bản kiến nghị kêu cứu… nhưng vướng Thông tư 36/2014 đến nay sau 7 năm, dự án của chúng tôi cho thuê hết, chỉ có 27 căn trong dự án được bán ra, nhưng đến nay công ty vẫn chưa hoàn tất hồ sơ xin cấp sổ hồng cho người dân được. Mọi thủ tục kiến nghị, họp chạy lòng vòng hơn 7 năm nay, hồ sơ thẩm định 7 lần rồi vẫn chưa kết thúc, không ra được”, ông Nghĩa cho biết.
Nhà ở xã hội: xin ghi rõ là "miễn tiền sử dụng đất"
Không chỉ dự án nhà ở thương mại vướng mắc không đóng được tiền sử dụng đất, ngay dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp này cũng bị tắc không làm thủ tục xin cấp sổ hồng được do… tắc tiền sử dụng đất dù theo quy định, nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất.
Ông Lê Hữu Nghĩa trình bày, theo quy định, nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, nhưng giấy giao đất lẽ ra nên ghi rõ “doanh nghiệp được miễn tiền sử dụng đất” lại ghi “doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có)”. Chỉ vì câu này mà cuối cùng doanh nghiệp làm nhà ở xã hội không được miễn tiền sử dụng đất, lại phải làm hồ sơ để được miễn tiền sử dụng đất và đến nay bị kéo dài 3 - 4 năm vẫn chưa hoàn thành.
Ông Nghĩa cũng nhấn mạnh, chính Sở TNMT đã có 3 văn bản trình UBND TP.HCM ghi rõ đây là dự án miễn tiền sử dụng đất, Cục Thuế cũng có văn bản trình thành phố… nhưng không rõ tại sao đến nay vẫn chưa có hồi âm. Nhà ở xã hội được vay tiền lãi suất thấp, khoảng 5%, nhưng đến nay sau khi Lê Thành đã bàn giao căn nhà cuối cùng cho khách hàng vào ở rồi, vẫn chưa nhận được quyết định miễn tiền sử dụng đất để vay ngân hàng ưu đãi theo quy định làm nhà ở xã hội.
“Tôi mong cơ quan tham mưu hay UBND TP.HCM khi ban hành quyết định giao đất cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội xin ghi thẳng là dự án được miễn tiền sử dụng đất luôn, không nên ghi kiểu “thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có)” như hiện nay”, ông Lê Hữu Nghĩa kiến nghị.
Bình luận (0)