Nhà thầu nội tính chuyện 'xuất khẩu'

Đình Sơn
Đình Sơn
23/03/2018 07:48 GMT+7

Chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị trường xây dựng trong nước, hiện các nhà thầu Việt đang tính đến con đường “chinh phục” biển lớn bằng hình thức “xuất khẩu” xây dựng ra nước ngoài.

Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sỹ Công, Tổng giám đốc Coteccons Group (ảnh), xoay quanh vấn đề này.
Sau khi Báo Thanh Niên có bài Người Việt xây dựng công trình cao thứ 10 thế giới, rất nhiều bạn đọc đã phản hồi tự hào về tầm vóc, trí tuệ người Việt, riêng ông đánh giá thế nào về năng lực của người Việt trong lĩnh vực xây dựng hiện nay?
So với 10 - 15 năm trước ngành xây dựng đã có sự thay đổi kinh ngạc. Ngày đó, tại các TP lớn, hầu hết các nhà cao tầng đều do nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu, các nhà thầu VN chỉ là nhà thầu phụ. Nhưng hiện nay hầu hết các công trình cao tầng và các công trình có quy mô lớn khác đều được xây bởi bàn tay, khối óc của các tổng thầu VN. Vừa qua tòa nhà Landmark 81, nằm trong top 10 tòa nhà cao nhất thế giới được xây dựng bởi nhà thầu Việt cũng vừa được cất nóc, có thể nói đây là kỳ tích đáng tự hào của cả ngành xây dựng nước nhà. Theo tôi, trong tất cả các ngành nghề của nền kinh tế, ngành xây dựng là một trong số ít ngành có tốc độ thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển với các nước trong khu vực châu Á nhanh nhất. Có thể nói chúng ta đang làm chủ cuộc chơi trên sân nhà của mình.
Lao động giá rẻ giờ đây không còn là lợi thế mà là lao động có tay nghề cao, có chuyên môn, vậy làm cách nào các nhà thầu Việt không chỉ cạnh tranh ở sân nhà mà còn vươn ra thế giới khi chung ta hội nhập ngày càng sâu - rộng?
Trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt, nhất là ở phân khúc các gói thầu 100 - 200 tỉ, thì để tồn tại và tiếp tục phát triển, thậm chí vươn ra biển lớn đòi hỏi các nhà thầu xây dựng VN phải cải tiến phương thức tổ chức và quản lý theo hướng thực sự mang phong cách chuyên nghiệp. Đặc biệt, phải quan tâm đến an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường, đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân của chính mình là giải pháp căn cơ hơn cả. Các nhà thầu VN có thể tính đến con đường chinh phục biển lớn bằng hình thức “xuất khẩu” xây dựng ra nước ngoài theo tôi đó là ý tưởng đáng được ủng hộ. Hiện Coteccons cũng đưa phương án này vào chiến lược kinh doanh dài hạn. Tuy nhiên để làm thành công thì không phải là dễ. Trước hết phải xác định thị trường nào chúng ta có lợi thế cạnh tranh mới làm. Thứ hai là phải có đội ngũ cán bộ kỹ sư ngang “tầm” quốc tế mà yêu cầu đầu tiên phải có trình độ ngoại ngữ phù hợp và cuối cùng là phải có trong tay lực lượng công nhân có tay nghề cao và ý thức kỷ luật nghiêm. Thiếu ba điều đó thì không thể “xuất khẩu” thành công.
Ở các nước, các nhà thầu không dừng lại ở việc thi công mà kiêm luôn cả thiết kế, giám sát... Các nhà thầu Việt có làm được điều này để tạo lợi thế trong cạnh tranh cũng như gia tăng giá trị thặng dư?
Hoàn toàn có thể và chắc chắn xu hướng này sẽ là xu hướng chủ đạo trong tương lai không xa. Coteccons qua gần 5 năm cũng kiên trì theo đuổi việc hình thức tổng thầu thiết kế thi công và bước đầu cho kết quả rất tốt, được thị trường đón nhận tích cực và các chủ đầu tư ủng hộ. Bằng hình thức này Coteccons có thể rút ngắn khoảng 30% tiến độ thi công và tiết kiệm trên dưới 10% giá thành xây dựng cho các chủ đầu tư của mình. Quan trọng hơn là chất lượng nâng cao hơn hẳn so với các hình thức giao thầu khác. Năm 2017 hơn 40% doanh số của chúng tôi là từ mảng này.
Với tư cách là tổng giám đốc của một công ty xây dựng hàng đầu của VN, ông có thể chia sẻ thêm điều gì mà Công ty Coteccons đã làm khiến ông tự hào nhất?
Tất cả những gì Coteccons đã và đang làm trong gần 15 năm xây dựng và trưởng thành theo tôi - xã hội, thị trường, khách hàng, đối tác, nhà đầu tư và các ban ngành cũng đã nhìn nhận và đánh giá khách quan bằng chính chất lượng những công trình của chúng tôi, điều đó tôi không nhắc lại. Tôi chỉ tự hào 2 điều. Một là chúng tôi bằng những nỗ lực và kiên trì của chính mình trong hơn 10 năm qua đã cùng chung tay với các đối tác và các cơ quan quản lý nhà nước dũng cảm đi đầu tạo ra một xu hướng thi công văn minh, an toàn và chuyên nghiệp cho cả ngành xây dựng. Chúng tôi thực sự rất vui khi thấy nhiều đồng nghiệp của mình trên khắp cả nước ngày càng có nhiều tiến bộ trong cải tiến an toàn, kỹ thuật thi công góp phần vào việc nâng cao chất lượng công trình của ngành xây dựng và thay đổi diện mạo của đất nước. Điều thứ hai là Coteccons Group vừa được Tổ chức Anphabe vinh danh là doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất ngành xây dựng trong năm 2017. Đây là lần thứ 3 liên tiếp Coteccons Group đạt được danh hiệu này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.