'Nhái' thương hiệu du lịch để trục lợi

27/05/2017 06:06 GMT+7

Làm nhái, giả trang web, sản phẩm, thương hiệu của các 'ông lớn' trong hoạt động kinh doanh lữ hành đã trở thành vấn nạn tồn tại từ nhiều năm nay.

Làm nhái, giả trang web, sản phẩm, thương hiệu của các “ông lớn” trong hoạt động kinh doanh lữ hành đã trở thành vấn nạn tồn tại từ nhiều năm nay. Không chỉ gây tổn hại đến uy tín của nhiều công ty du lịch mà nhiều trường hợp, du khách cũng thiệt hại lớn vì sự "nhầm lẫn" cố ý này.
"Nhái" đủ kiểu
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tour chia sẻ, không có ngành nào mà hàng nhái, hàng giả dễ làm như du lịch. Ông Mỹ kể, có lần nghe một khách hàng giới thiệu mới đặt tour đi miền Trung qua Công ty Lửa Việt chi nhánh Nam Định, ông tá hỏa vì Lửa Việt chưa lập chi nhánh tại Nam Định và thời gian đó công ty cũng không tổ chức tour đi miền Trung. Tìm hiểu kỹ thì phát hiện một công ty tên na ná như công ty của ông là Công ty TNHH hành trình Lửa Việt, có trụ sở tại Nam Định và cũng kinh doanh dịch vụ lữ hành. “Khi biết thông tin này, chúng tôi rất bức xúc vì thương hiệu Lửa Việt được công ty cố gắng xây dựng nhiều năm qua giờ bị một công ty khác nhái lại. Nhưng khi Lửa Việt khiếu nại thì công ty này đưa ra giấy phép chứng minh tên gọi này được Sở Kế hoạch - Đầu tư Nam Định cấp. Thậm chí khi chúng tôi làm căng, họ còn dọa kiện ngược chúng tôi vì tội vu cáo”, ông Mỹ bức xúc.
Tương tự, bà Trần Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị - truyền thông, Công ty cổ phần Fiditour, cho biết sau những đợt ra mắt trang web mới với giao diện bắt mắt và tính năng tiện ích cho khách hàng, Fiditour thường bị sao chép nhanh chóng về hình thức, nội dung và cả các chương trình chăm sóc khách hàng. Đáng nói là những công ty nhái chỉ quan tâm sao chép những dịch vụ thu hút sự chú ý khách hàng nhưng hoàn toàn không có sản phẩm, tiện ích đó... Tình trạng này thường xuyên xảy ra ở các công ty du lịch nhỏ, không có thương hiệu trên thị trường. Cách họ làm là đẩy mạnh quảng cáo trên những kênh truyền thông mạng kém uy tín, không tốn phí và thường bán tập trung vào mùa cao điểm. “Fiditour cũng đã làm việc với một số công ty chuyên sao chép này khi vấn đề nghiêm trọng nhưng cũng không khắc phục được. Các quy định, chế tài bảo vệ doanh nghiệp (DN), cụ thể với ngành dịch vụ lữ hành cũng chưa có cơ sở rõ ràng khiến bộ phận pháp lý của Fiditour gặp nhiều khó khăn”, bà Thu nói.
Là một trong những người gay gắt đấu tranh yêu cầu có một sự bảo vệ nhất định đối với các DN lữ hành, ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt vô cùng ngán ngẩm trước những hành vi “lập lờ đánh lận con đen” trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử. Ông dẫn chứng, khi sử dụng thanh công cụ tìm kiếm Google để gõ tên một DN lữ hành nổi tiếng như Saigontourist, Vietravel, Du lịch Việt, kết quả hiện lên đầu tiên đều dẫn về trang web của những công ty du lịch nhỏ, chưa có thương hiệu. Các công ty này bỏ tiền ra quảng cáo trên các trang mạng, mua luôn tên của các công ty lớn. Có nhiều DN nhái còn “chơi chiêu” chỉ mua trong giờ làm việc khiến vấn đề quản lý càng trở nên khó khăn. Trường hợp không khởi hành được "tour nhái", các DN này sẽ tìm cách chuyển khách qua các công ty chính chủ. Khách hàng, đặc biệt là các khách nước ngoài không nắm rõ. Khi tìm kiếm tour trên mạng, cứ kết quả đầu tiên hiện ra là họ nhấp vào, mua tour thanh toán qua mạng. Chỉ đến khi gặp sự cố thì sự đã rồi, cũng không ai chịu trách nhiệm. “Có thể nói các trang mạng tìm kiếm đang lợi dụng kẽ hở trong luật pháp cũng như sự yếu kém về quản lý của nhà nước để nối giáo cho các hành vi vi phạm. DN du lịch muốn tránh tình trạng này phải bỏ tiền ra mua quảng cáo để “đấu” với các DN "bẩn", vô hình trung chỉ làm giàu cho các trang mạng”, ông Long nói thẳng.
Ăn cắp "nguyên con"
Bộ Thông tin - Truyền thông cần siết chặt quản lý, xem lại tính pháp lý hiện nay đối với các trang công cụ tìm kiếm trên mạng để đảm bảo quyền lợi cho DN chân chính. Khi phát hiện ra các công ty vi phạm, đề nghị các nhà mạng cắt đường truyền, thậm chí xóa luôn tên miền của các công ty đó, có chế tài xử phạt mạnh tay nhằm răn đe những công ty khác
Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt
Trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, bức xúc tình trạng làm giả, làm nhái trong lĩnh vực hoạt động du lịch đã “hành hạ” DN từ rất lâu. DN kêu ca nhiều nhưng phía cơ quan nhà nước vẫn không có bất kỳ động thái nào khiến họ cuối cùng vẫn phải chấp nhận sống chung với lũ. “Một DN làm ăn chân chính mất bao nhiêu tiền của, thời gian đi khảo sát, xây dựng tour nhưng chỉ mấy giây sau đã có kẻ khác bê nguyên về. Có chăng thay đổi ăn quán này, ngủ khách sạn nọ nhưng thực chất vẫn là ăn cắp nguyên con. Vậy các chương trình, sản phẩm như thế có phải đối tượng để đăng ký bản quyền hay không? Nếu được thì đăng ký ở đâu, quá trình như thế nào? Khi gặp sự cố, DN biết kêu ai? Không có quy định rõ ràng, cơ quan chức năng thậm chí biết nhưng làm lơ, bỏ mặc”, vị này ngao ngán nói.
Đồng quan điểm trên, luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia VN, cho rằng các DN có cơ hội làm ăn bất chính đầu tiên là do những kẽ hở từ luật. Luật DN và Nghị định 43/2010/NĐ-CP quy định, tên riêng của DN bao gồm cả lĩnh vực kinh doanh, đầu tư, nếu giống từng từ trong cả tên thì mới bị xem là tên trùng hay tên gây nhầm lẫn. Vì vậy, DN đăng ký sau chỉ cần thay đổi một từ, hoặc sử dụng tên riêng ghép vào là đương nhiên được cấp phép đăng ký kinh doanh. “Quy định này đã hợp thức hóa việc đặt trùng tên. Chỉ cần gắn thêm các định ngữ như “Cổ phần”, “Tư vấn”, “Thương mại”... hay các địa danh “TP.HCM”, “Quảng Bình”, “Tây nguyên”... bên cạnh tên của các công ty lữ hành nổi tiếng là tha hồ nhái toàn bộ hệ thống", LS Hậu phân tích. Bên cạnh đó, thông tư đi kèm cũng chưa cụ thể; chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. "Cần ngay lập tức sửa đổi, điều chỉnh đồng loạt luật DN, luật Sở hữu trí tuệ và luật Du lịch, thêm chế tài xử phạt mạnh tay, truy tố hình sự đối với các DN cố tình vi phạm", LS Hậu kiến nghị.
LS Hậu cảnh báo: “Làm giả, làm nhái trong ngành du lịch còn nguy hiểm hơn nhiều so với các ngành thương mại khác, mà chịu thiệt hại lớn nhất là người dân. Đã có nhiều trường hợp khách hàng chọn nhầm tour dởm ra nước ngoài, bị cắt chương trình, chịu những dịch vụ chất lượng kém hay thậm chí bị bỏ lại vất vưởng, không có bất kỳ sự hỗ trợ nào. Nếu nhà nước không nhanh chóng vào cuộc, không chỉ khiến DN thiệt hại nặng nề về kinh tế và uy tín, mất lòng tin vào chính quyền mà còn gián tiếp đe dọa tới an toàn, quyền lợi của người dân”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.