Hôm qua (12.4), Sở Du lịch TP.HCM phối hợp Trường đại học Hoa Sen tổ chức Diễn đàn nguồn nhân lực du lịch VN 2019 với chủ đề “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch VN để phát triển ngành kinh tế trọng điểm”. Diễn đàn có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Du lịch chưa hấp dẫn người giỏi Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Trong 1,3 triệu lao động du lịch của cả nước, chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nhận định ngành du lịch đang rất “khát” nhân lực lành nghề, chất lượng cao. Là địa phương chiếm tới 70% lượng khách quốc tế đến VN (số liệu năm 2018) nhưng nhân lực ngành du lịch TP có sự lệch pha mạnh giữa cung - cầu. “Tại TP.HCM có đến 63 đơn vị đào tạo các ngành nghề về du lịch (tăng đều qua các năm), trong đó 18 đại học có đào tạo ngành du lịch, 21 cao đẳng/cao đẳng nghề và 24 trung cấp nghề/trung học chuyên nghiệp, thế nhưng số sinh viên, học viên tốt nghiệp vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 60% so với nhu cầu. Đó là chưa tính đến nguồn nhân lực ở các vị trí lao động gián tiếp, đặc biệt ở các vị trí quản lý”, ông Vũ cho hay.
Nhiều địa phương, doanh nghiệp (DN) lớn tại hội thảo cũng “than” thiếu trầm trọng nhân lực và bày tỏ lo ngại nếu không nhanh chóng cải thiện, nhân sự sẽ trở thành nút thắt lớn của ngành du lịch trong quá trình phát triển sắp tới.
Yếu chuyên môn do thiếu thực hành
Không chỉ thiếu, nhân lực ngành du lịch VN còn bị đánh giá rất yếu về chuyên môn. Dẫn chứng con số năng suất lao động ngành du lịch VN thuộc hạng thấp nhất trong khu vực, đạt 3.477 USD/năm/người, chưa bằng 1/2 lần so với Thái Lan và chỉ bằng 1/15 so với Singapore, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Vietravel, đánh giá nguồn nhân lực hiện nay còn yếu về kỹ năng, ngoại ngữ và trình độ mà cốt lõi là vấn đề đào tạo. Các công ty lữ hành khi tuyển dụng hầu như phải đào tạo lại ít nhất 6 tháng, muốn đào tạo lành nghề phải mất 12 tháng. Theo ông Kỳ, công tác đào tạo hiện nay chủ yếu đáp ứng nhanh nhu cầu thị trường mà chưa theo quy chuẩn chung của tiêu chuẩn nghề du lịch (VTOS) đã được ban hành. Chỉ có 8/500 chương trình đào tạo liên kết nước ngoài liên quan đến du lịch. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo chưa sát với thực tế, còn nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng thực hành, đặc biệt là yếu ngoại ngữ.
“Cần tính toán việc thành lập trường chuyên về du lịch, có thể quy hoạch một số trường đại học có các khoa du lịch làm nòng cốt cho vùng để phân bổ và quy hoạch nguồn lực, đầu tư chuẩn cho các khoa du lịch trở thành trường thí điểm. Các trường đại học cần nghiên cứu xây dựng giáo trình/giáo án dựa trên tiêu chuẩn quốc tế về đào tạo du lịch có sự phù hợp với yêu cầu tại VN. Đồng thời tăng cường liên kết với DN đang hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch để tạo ra môi trường cho sinh viên có cơ hội thực hành nhiều nhất có thể. Chính phủ cần đặc biệt quan tâm, coi trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch, nếu không sẽ phải thuê hoàn toàn nhân lực trình độ cao ở nước ngoài”, ông Kỳ đề xuất.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với các bộ, ban ngành, khuyến khích xã hội hóa, khuyến khích DN đang kinh doanh trong lĩnh vực du lịch tham gia đào tạo nguồn nhân lực để tạo thành chuỗi tuần hoàn, nâng cao tối đa năng lực nhân sự ngành du lịch.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trước khi đặt vấn đề ngành du lịch có đủ nguồn nhân lực du lịch chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển, các DN, cơ quan quản lý cần trả lời các câu hỏi ngược lại: Thứ nhất, ngành du lịch đã đủ hấp dẫn, đủ chính sách đãi ngộ, ưu đãi để thu hút lực lượng lao động có kỹ năng trong nước cũng như quốc tế tham gia vào lĩnh vực du lịch? Thứ hai, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, vậy chúng ta đã làm gì tương xứng với 2 chữ "mũi nhọn", làm gì để thu hút nguồn lao động có kỹ năng tham gia ngành du lịch, để tối ưu hóa nguồn lực sẵn có? Thứ ba là cần làm gì, xây dựng chiến lược thế nào để nguồn nhân lực thực sự là đột phá chiến lược đối với ngành du lịch VN trong thời gian tới?
Theo Thủ tướng, không chỉ đầu vào, đầu ra cũng là yếu tố rất quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch. Môi trường, chính sách, cơ chế là nền tảng cơ bản để thu hút nhân lực trong mọi ngành nghề, không chỉ riêng ngành du lịch. Bên cạnh đó, mỗi người dân, cả cộng đồng nơi diễn ra hoạt động du lịch phải được coi là nguồn nhân lực dồi dào góp phần phát triển du lịch VN. Vấn đề là ngành du lịch cần có cơ chế tốt để thu hút họ.
|
Bình luận (0)