Thông tin trên được đại diện nhà máy này cho biết tại hội thảo "Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở VN" do Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 29.8 tại Hà Nội.
Cụ thể, Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 (thuộc Tổng công ty phát điện 3 của Tập đoàn điện lực VN) có công suất 1.080 MW, vận hành từ cuối năm 2015. Mỗi năm, nhà máy tiêu thụ 3 triệu tấn than và thải ra 1 triệu tấn tro xỉ. Theo thiết kế, bãi thải tro xỉ của Nhiệt điện Mông Dương 1 có dung tích 2,25 triệu m3, nhưng nay đã sử dụng để chứa 1,8 triệu m3. Theo tính toán, đến khoảng tháng 4.2018 bãi chứa này sẽ đầy. Công ty nhiệt điện Mông Dương - đơn vị quản lý nhà máy, đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép xây một bãi xỉ mới đang được triển khai lập quy hoạch. Tuy nhiên, đại diện công ty thừa nhận, nếu tỉnh phê duyệt quy hoạch thì khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ TN-MT cũng khó có thể phê duyệt vì không phù hợp với các quyết định hiện nay do dung tích bãi xỉ này chỉ cấp đủ 2 năm vận hành. Hiện doanh nghiệp đã thuê xe chở xỉ đi các nơi khác tiêu thụ, song chi phí rất lớn mà theo quy định thì khoản tiền này chưa được tính vào giá điện.
TS Lê Hồng Tịnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho hay hiện Nhật Bản đã tái sử dụng đến 95% tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện để san lấp mặt bằng, làm vật liệu xây dựng, phụ gia xi măng... Trong bối cảnh nhà nước xác định nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn thì bài toán môi trường cần được ưu tiên để cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), thừa nhận vấn đề tro xỉ vẫn là bài toán khó với các dự án nhiệt điện. "Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu quy chuẩn để dùng tro xỉ áp dụng trong các hoạt động từ san nền đến phụ gia xi măng từ gần 2 năm trước. Chúng tôi cũng đang rất mong chờ quy chuẩn này và có thể tháng 11 tới sẽ được ban hành", ông Thức nói.
Bình luận (0)