Diễn ra từ ngày 2 đến 9.11 tại Trung tâm Văn miếu Trấn Biên (TP.Biên Hoà, Đồng Nai), chợ phiên sinh vật cảnh năm nay có 90 gian hàng của các nhà vườn, cơ sở cây cảnh và nghệ nhân đến từ các tỉnh, thành trong cả nước như: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bình Dương, Bình Phước, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Phú Yên, thậm chí cả Hà Nội cũng tham gia trưng bày cây kiểng.
Anh Hồng Phước Thắng (32 tuổi, CLB bonsai Hòa Thuận, Chợ Lách, Bến Tre), cho hay đây là năm thứ 2 anh mang hàng trăm chậu kiểng lớn nhỏ tới tham dự chợ phiên. Trong đó anh tâm đắc nhất là cây mai chiếu thủy hơn 80 năm tuổi do bố anh để lại. “Từ lúc 15 tuổi đã theo cha học làm cây kiểng và theo nghề đến giờ. Được chăm sóc, uốn cây, trước là để thỏa mãn niềm đam mê hòa mình vào thiên nhiên, sau là phát triển kinh tế cho gia đình”, anh Thắng nói.
Một nhà vườn đến từ Bình Dương tạo ấn tượng với hàng chục gốc kiểng dâu tằm. Những gốc dâu tằm với đủ dáng, thế, cao từ 1-1,5 m, chi chít quả chín đỏ rất bắt mắt và thu hút người xem. Chị Lan, chủ một gian hàng cho biết: “Những gốc dâu này có giá từ 800.000 đến 2 triệu đồng. Giá vừa phải để hợp với số đông người mua hơn chứ không quá cao và kén chọn người chơi như những loại kiểng khác”.
|
Gian hàng của nghệ nhân Nguyễn Cao Trọng (TP.Biên Hoà) lại gây ấn tượng đặc biệt với người xem bởi những chậu bonsai có dáng độc lạ, không đụng hàng. Những cây linh sam được trồng trong vỏ ốc, gỗ lũa hay cả chiếc bình vỡ với những kiểu phá cách độc đáo. “Mỗi thế cây, dáng vẻ và chiếc chậu trồng lại mang một triết lý, ý nghĩa khác nhau. Như cây linh sam chủ lực là 3 nhánh thân gỗ đã khô, lòi gỗ lũa của nó làm giá đỡ chậu, với dụng ý vững chãi như kiềng 3 chân. Còn cây trồng trong bình vỡ thì ý muốn nói vươn lên từ sự đổ vỡ, luôn tìm được cái tốt đẹp trong hoàn cảnh khó khăn. Mỗi cây lại ẩn chứa một bài học mà người tạo ra muốn ngầm nói về ý nghĩa cuộc sống”, anh Trọng phân tích.
Điểm nhấn của chợ phiên sinh vật cảnh Trấn Biên lần này là hai cây vạn niên tùng có giá 1,4 tỉ đồng do một nhà vườn từ Q.Thủ Đức (TP.HCM) mang tới trưng bày. Hai cây tùng cao khoảng 10 m, tán rộng 2,5 m, đường kính thân khoảng 8 cm. Anh Nguyễn Duy Tâm (39 tuổi), chủ nhân cặp tùng chia sẻ: “Tôi mua hai cây tùng này bên Nhật cách đây khoảng 4 năm. Hai cây này đều có dáng trực, tán lá dày rất đẹp, tôi rất tâm đắc nên mang tới chợ phiên để giới thiệu. Rao giá bán vậy những tôi chưa chắc đã bán bởi bán đi thì tiếc lắm”.
Người tham quan còn choáng ngợp bởi hàng ngàn chậu kiểng lớn nhỏ với đủ thể loại cây và các dáng thế độc lạ khác nhau. Từ những chậu bonsai nhỏ xíu bỏ lọt trong lòng bàn tay đến những gốc cây đại thụ. Những gốc vú sữa khổng lồ mà vòng tròn gốc rễ có đường kính gần 5 m. Hay chậu mai vàng, cây mai chiếu thủy trị giá từ 500-700 triệu đồng. Có nhiều cây được tạo hình theo con giáp như: mai chiếu thủy hình con rồng, con trâu, kiểng bông trang hình gà trống. Mức giá dành cho những chậu cảnh cũng dao động từ vài trăm ngàn đồng đến cả trăm triệu đồng tùy thuộc vào loại cây, kích thước, hình dáng của chậu kiểng.
Anh Giới, một người dân tại Đồng Nai chia sẻ: “Tôi đến tham quan và chọn được một cây bông giấy dáng huyền với giá 1,2 triệu đồng. Năm nay có nhiều cây đẹp và đa dạng quá, giá cả cũng có đủ loại phù hợp với từng đối tượng khách chơi”.
Bà Chu Thị Như Đào - Phó trưởng Ban tổ chức chợ phiên sinh vật cảnh Trấn Biên, đánh giá: “Năm nay số lượng đầu cây tăng và đặc biệt là chất lượng rất cao. Có nhiều cây có dáng thế độc lạ, được định giá từ 700 triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng”. Theo bà Đào, trong chợ phiên này Ban tổ chức đã trao các giải gồm: 5 huy chương vàng, bạc, đồng và khuyến khích cho các loại bonsai đẹp. Bà Đào chia sẻ thêm: “Chợ phiên sinh vật cảnh là sân chơi để các nhà vườn, nghệ nhân và những người yêu thích cây cảnh giao lưu, trao đổi. Chính vì thế mà chợ phiên không đặt nặng vấn đề kinh doanh nhưng các nhà vườn vẫn bán để những người yêu cây cảnh có thể mua được những cây ưng ý, thỏa mãn niềm đam mê”.
Bình luận (0)