Báo cáo thường niên 2018 của Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE (REE) đã hé lộ lương và thù lao của các thành viên lãnh đạo khá lớn. Cụ thể, thù lao cho hội đồng quản trị gồm 5 người hơn 4,6 tỉ đồng; lương và thưởng chi trả cho ban tổng giám đốc gồm 3 người hơn 17,8 tỉ đồng. Nếu tính bình quân, mỗi lãnh đạo điều hành của REE nhận được gần 5,96 tỉ đồng/năm, tương đương 246 triệu đồng/tháng. Trong đó, riêng bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc REE có thể nhận số tiền nhiều nhất và nếu tính mức trung bình sẽ lên gần 7 tỉ đồng cho năm 2018. Với mức lương và thù lao này, bà Mai Thanh được cho là nữ doanh nhân được trả lương cao nhất Việt Nam.
Tương tự, Báo cáo thường niên 2018 của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) nêu rõ thù lao, lương thưởng của bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị đạt hơn 5,2 tỉ đồng/năm. Người đứng thứ 2 ở PNJ là ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty đạt hơn 4,22 tỉ đồng. Tổng cộng PNJ chi cho 7 người trong Hội đồng quản trị là hơn 18,7 tỉ đồng và 8 người trong ban điều hành là 19,19 tỉ đồng.
Một công ty cũng chi trả số tiền lớn cho ban lãnh đạo là Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG). HPG luôn duy trì mức chi trả thù lao 1% lãi sau thuế đối với hội đồng quản trị và thưởng tối đa 5% khoản lãi vượt kế hoạch cho ban điều hành nhiều năm qua. Kết thúc năm 2018, HPG đạt 8.600 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế và vượt 7% so với kế hoạch (tương ứng vượt kế hoạch năm là 550 tỉ đồng). Như vậy thù lao của hội đồng quản trị HPG tương đương 86 tỉ đồng và mức thưởng của ban điều hành là 28 tỉ đồng. Hiện tập đoàn này có 9 thành viên trong hội đồng quản trị và trung bình mỗi người sẽ nhận hơn 9,55 tỉ đồng trong năm qua. Riêng 4 thành viên trong ban tổng giám đốc nhận được tiền thưởng 7 tỉ đồng/người và chưa kể tiền lương. Khoản tiền thưởng của ban lãnh đạo Hòa Phát trước đó được xem là đột biến là vào năm 2016 khi lãi sau thuế đạt 6.606 tỉ đồng, hơn gấp đôi kế hoạch đề ra.
Hay Công ty cổ phần Hàng không VietJet (VJC) chia sẻ rõ ràng, con số thù lao, phụ cấp và kinh phí hoạt động của hội đồng quản trị năm vừa qua là 17 tỉ đồng. Trong đó, thù lao hội đồng quản trị là 12 tỉ đồng. Hiện số lượng thành viên hội đồng quản trị VJC là 6 người thì trung bình mỗi người nhận được 2 tỉ đồng/năm. Riêng bà Nguyễn Thị Phương Thảo là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc thì mức lương thưởng lên con số rất cao. Theo công bố chi tiết của năm 2016 thì CEO Nguyễn Thị Phương Thảo đã nhận tổng lương và thu lao 2,66 tỉ đồng/năm, tương ứng gần 222 triệu đồng/tháng.
Hoặc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng báo cáo thù lao của hội đồng quản trị và ban kiểm soát được thông qua năm 2018 là 1% lợi nhuận hợp nhất trước thuế, tương ứng 92 tỉ đồng. Tuy nhiên thực tế năm vừa qua ngân hàng này chỉ chi trả 11,2 tỉ đồng và gần 9 tỉ đồng chi phí hoạt động. Hội đồng quản trị VPB gồm 4 thành viên chuyên trách và 1 thành viên độc lập cùng 3 người của ban kiểm soát. Nếu tính bình quân mỗi người nhận thù lao 1,4 tỉ đồng/năm và chưa kể lương cố định. Một đơn vị khác là Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng luôn được nhắc đến nằm trong số các doanh nghiệp chi thù lao lớn. Năm 2018, cổ đông đã thông qua thù lao cho 11 thành viên hội đồng quản trị là 25 tỉ đồng/năm. Bình quân mỗi người sẽ nhận được hơn 2,27 tỉ đồng/năm…
Bình luận (0)