Nhiều nơi ‘ăn chặn’ VAT

04/05/2017 10:00 GMT+7

Lấy cũng tính, không lấy cũng tính thuế giá trị gia tăng (VAT), tình trạng “ăn chặn” thuế VAT phổ biến ở khắp mọi nơi.

Đặc biệt, trong giai đoạn nhà nước đang khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi lên thành doanh nghiệp (DN), nhiều người đã tận dụng lúc giao thời này để tính thêm thuế với khách hàng.

tin liên quan

'Siết' hóa đơn lẻ
Nhiều hộ, cá nhân kinh doanh kêu trời vì cơ quan thuế đang siết hóa đơn lẻ, với lý do ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn không hợp pháp, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Tính thuế nhưng “lờ” xuất hóa đơn
Chị Nguyên (ngụ Q.4, TP.HCM) thường đi thư giãn tại một điểm spa trên đường Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM. Lâu nay, giá dịch vụ ở mức 250.000 - 300.000 đồng, nhưng hơn một tháng nay bỗng tăng lên 275.000 - 330.000 đồng. Khi chị Nguyên hỏi có phải dịch vụ đã tăng giá thì nhân viên ở đây cho biết không tăng giá mà chỉ tính thêm 10% VAT. Đáng nói, các nhân viên ở đây không hề hỏi khách hàng có lấy hóa đơn hay không, cũng không xuất hóa đơn cho chị mà cứ điềm nhiên cộng VAT vào giá. Khi khách hàng tỏ ý bực mình vì trước giờ không thấy tính thuế này thì một nhân viên giải thích “giờ phải lên doanh nghiệp rồi nên mới tính VAT”.
Người tiêu dùng lấy hóa đơn về không biết để làm gì khi cơ quan thuế đến nay vẫn chưa có quy định nào về việc cấn trừ các chi phí ăn uống, mua sắm trong thuế thu nhập cá nhân
LS Trần Xoa

Cuối tuần qua, kết thúc bữa ăn với gia đình tại một nhà hàng lớn trong một trung tâm thương mại, chị Thu gọi nhân viên tính tiền thì thấy phiếu tính tiền có thêm 10% VAT, đẩy giá tiền phải trả lên 918.000 đồng, nhưng nhà hàng không chủ động xuất hóa đơn. Chỉ khi chị hỏi tới thì nhân viên mới nói, nếu chị cần thì cho địa chỉ sẽ gửi hóa đơn qua bưu điện. Anh M.Tuấn kể mới đây đi ăn cùng người bạn là Việt kiều Pháp tại nhà hàng chay A., đến khi thanh toán thì phiếu tính tiền 2 triệu đồng cộng với 10% VAT, làm đội giá tiền phải trả 2,2 triệu đồng.
Đặc biệt hầu hết các siêu thị đều tính 10% VAT nhưng ít có siêu thị xuất hóa đơn trừ khi được yêu cầu. Theo luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, có 3 trường hợp xảy ra khi nơi bán không xuất hóa đơn cho khách hàng. Thứ nhất, nơi bán không khai đúng và đủ doanh thu, âm thầm lấy trọn khoản VAT. Thứ hai, có hộ kinh doanh, DN nộp thuế theo phương pháp trực tiếp với mức thuế suất chỉ 1 - 5% nhưng vẫn tính 10% VAT và lấy luôn phần tiền này của khách hàng. Thứ ba, về nguyên tắc, giá niêm yết đã bao gồm VAT, vì vậy, nếu cộng thêm 10% VAT nữa, nghĩa là DN đó đang ăn hai đầu. “Một số nơi không xuất hóa đơn đầy đủ cho khách hàng đã lợi dụng cơ hội tăng giá dịch vụ, tính thêm tiền mà không xuất hóa đơn, như vậy là có thể đang chiếm dụng 2 loại thuế: một là ăn chặn VAT của khách hàng, hai là trốn thuế thu nhập DN”, ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty kế toán Đồng Hưng, nói.
Không những vậy, theo ông Tiến, có những trường hợp khi yêu cầu xuất hóa đơn, nhiều nhà hàng, quán ăn còn làm nản lòng bằng cách đổ thừa kế toán bận, hẹn khách 1 - 2 ngày sau ghé lại lấy.
Cho khấu trừ chi phí, sẽ hết trốn thuế
Theo luật sư Trần Xoa, cách quản lý thuế hiện nay còn chạy theo hình thức khiến người ta hoàn toàn có thể trốn thuế. “Quản lý thuế theo hóa đơn có thể thấy là rất siết chặt nhưng cũng rất lỏng lẻo. Bởi khi DN trốn xuất hóa đơn, cơ quan thuế cũng không có công cụ hữu hiệu nào nắm được doanh thu chính xác để thu thuế. Hơn nữa, quy định xuất hóa đơn quá chi tiết, lặt vặt, mức tiền phải xuất quá nhỏ làm lãng phí chi phí nhân sự, lưu trữ, tiền lương của DN. Chẳng hạn, một nhà hàng một ngày phục vụ cả 300 - 500 khách, nếu xuất đủ cả mấy trăm tờ hóa đơn/ngày có thể phải bố trí ít nhất là 2 - 3 nhân viên viết hóa đơn”, ông phân tích.
Hiện nay đa số người tiêu dùng không yêu cầu xuất hóa đơn, bởi họ cũng không có lợi lộc gì, không thể dùng vào việc gì với tờ hóa đơn đó. “Người tiêu dùng lấy hóa đơn về không biết để làm gì khi cơ quan thuế đến nay vẫn chưa có quy định nào về việc cấn trừ các chi phí ăn uống, mua sắm trong thuế thu nhập cá nhân”, luật sư Xoa giải thích.

tin liên quan

Những 'mỏ thuế' lộ thiên
Doanh thu lên tới vài chục tỉ nhưng chỉ đóng thuế khoán vài triệu, thậm chí vài trăm ngàn đồng... các quán nhậu, những sạp hàng trong chợ đầu mối, những cơ sở kinh doanh "trốn" lên doanh nghiệp đang gây thất thu cho ngân sách nhà nước rất lớn.
Ông kiến nghị nhằm tạo động lực để người tiêu dùng lấy hóa đơn, cơ quan thuế cần cân nhắc cho khấu trừ chi phí ăn uống, mua sắm, các chi phí y tế như khám bệnh, thuốc thang, chi phí đi lại để điều trị... khi tính thuế thu nhập cá nhân thì không cần quy định, nhiều người đi mua hàng sẽ tự động đòi hóa đơn. LS Xoa đề xuất: Trước mắt có thể linh động cho cá nhân một số lợi ích bằng một nửa số thuế thu nhập cá nhân thông qua việc khấu trừ chi phí nếu họ có hóa đơn. Từ đó, khi người tiêu dùng có ý thức đòi hóa đơn, cái được rất lớn là DN cũng sẽ bộc lộ doanh thu rất lớn, số thuế thu lại lớn gấp nhiều lần số “cho” cá nhân này.
Theo quy định, mỗi lần bán hàng từ 200.000 đồng trở lên, dù người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế, DN vẫn bắt buộc phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ”. Còn với những trường hợp mua hàng dưới 200.000 đồng thì không phải xuất hóa đơn, nhưng cuối ngày, cơ sở kinh doanh phải thống kê, lập bản kê toàn bộ những trường hợp hóa đơn lẻ dưới 200.000 đồng và chịu trách nhiệm kê khai nộp thuế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.