Nợ cổ tức

30/08/2011 00:33 GMT+7

Đó là tình trạng đang xảy ra với nhiều doanh nghiệp (DN) niêm yết trên sàn chứng khoán. Tình trạng này đang làm tăng tâm lý chán nản, bi quan của các nhà đầu tư.

 

Việc nhiều công ty không có tiền trả cổ tức khiến không khí của TTCK càng thêm u ám - Ảnh: D.Đ.M

Dời đến cuối năm

Công ty cổ phần (CTCP) Sông Đà (S64) đã có công văn xin gia hạn thời gian trả cổ tức năm 2010 bằng tiền mặt (1.500 đồng/cổ phiếu) đến ngày 28.12 thay vì ngày 31.8 như đã thông báo trước đó. Trong công văn này, S64 ghi rõ do công ty đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính nên chưa thu xếp được nguồn vốn để kịp thời gian thanh toán cổ tức cho cổ đông.

Đây cũng là lý do được nêu trong công văn của CTCP Sông Đà 9.06 (S96) về việc đổi thời gian trả cổ tức năm 2010 từ ngày 12.8 thành 30.12. CTCP Sông Đà 7.04 (S74) thì lùi thời gian trả cổ tức ngày 15.6 thành 12.12. Nguyên nhân, theo công ty, do tình hình tài chính có nhiều biến động và chính sách thắt chặt tín dụng của chính phủ cùng với biến động giá cả tăng cao, công ty đang tập trung nguồn vốn để hoạt động không bị gián đoạn.

CTCP dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh (DXG) thì xin gia hạn ngày trả cổ tức đến 15.12 thay vì 30.8 với một lý do khác là phải chờ văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước liên quan đến việc miễn thuế thu nhập cá nhân từ cổ tức. Đặc biệt, CTCP khoáng sản Vinas A Lưới (ALV) đã xin gia hạn ngày thanh toán cổ tức năm 2009 đến 2 lần, từ ngày thông báo trả ban đầu là 20.7 lùi đến 30.9 do vẫn chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán…

Trên 2 sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội hiện đã có khoảng 20 công ty niêm yết xin gia hạn thời gian trả cổ tức năm 2010. Số lượng này tăng gấp đôi so với hồi năm 2010, thời gian gia hạn cũng kéo dài hơn.

Trước tình cảnh này, bà Kim Phượng, một nhà đầu tư (NĐT) tại TP.HCM đã thốt lên: “Đang có một phong trào xin gia hạn thời gian trả cổ tức”. Theo bà Phượng, tình trạng này, dù là bất cứ lý do gì, cũng khiến NĐT thêm thất vọng trong bối cảnh TTCK ảm đạm như hiện nay.

Ông Huỳnh Anh Tuấn - TGĐ Công ty chứng khoán SJC - nhận xét: Điều này sẽ tác động đến việc tính toán khi mua vào hay bán ra của NĐT trên thị trường. Hiện có nhiều NĐT dài hạn giữ CP để hưởng cổ tức hoặc quyết định mua CP khi DN công bố chi trả cổ tức nếu có lợi hơn so với gửi tiền vào ngân hàng. Đến ngày chốt quyền thực hiện, giá tham chiếu của CP cũng đã được trừ đi số tiền cổ tức tương ứng được chi trả. Vì vậy việc lùi thời hạn đến cuối năm sẽ khiến những cổ đông này là người chịu thiệt đầu tiên. Ông Huỳnh Anh Tuấn đặt vấn đề: DN để lại số tiền đó đưa vào sản xuất kinh doanh và thu được lợi nhuận thay vì trả cổ tức cho cổ đông, vậy họ có tính thêm lãi suất cho cổ đông hay không?

Quản trị yếu kém

Việc các DN gặp khó khăn không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh để thoái thác trách nhiệm đối với cổ đông. Đây là lợi nhuận các DN đã làm ra trong năm 2010 và phải có nghĩa vụ trả cho cổ đông. Lẽ ra nếu dự báo tốt, DN đã có thể xin ý kiến cổ đông về việc giữ lại khoản tiền này để phục vụ sản xuất. Đã có nhiều DN chủ động đưa ra kế hoạch không chia cổ tức năm 2010 cũng như năm 2011 với lý do thuyết phục và đều được cổ đông chấp thuận.

Bình luận về hiện tượng nhiều DN dù đã chốt danh sách trả cổ tức nhưng đến sát ngày thanh toán lại xin gia hạn, TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) - cho rằng điều này thể hiện công tác quản trị yếu kém của ban điều hành DN, nhất là quản trị dòng tiền. Bởi những khó khăn của kinh tế vĩ mô năm nay các DN cũng đã biết ngay từ đầu năm và có thể chủ động trong vấn đề này cũng như khi đưa ra kế hoạch kinh doanh cho cả năm 2011. TS Lê Thẩm Dương đặt vấn đề: DN hứa đến cuối năm nhưng lúc đó liệu có tiền để chi trả hay không? Bởi chưa ai dám chắc các DN sẽ hết khó khăn hay sức tiêu thụ trên thị trường sẽ tăng trở lại trong thời gian tới. Vì vậy việc công bố thông tin mà không thực hiện vô tình sẽ khiến giá CP trên thị trường bị ảnh hưởng nặng nề, DN tự làm mất uy tín của mình.

Ông Huỳnh Anh Tuấn cũng đặt câu hỏi: DN đã xin gia hạn được 1 lần thì có thể tiếp tục xin gia hạn lần thứ 2, lần thứ 3… Như vậy cổ đông luôn luôn là người phải ngóng cổ chờ đợi số tiền đáng lẽ ra đã phải thuộc về họ. Điều này sẽ làm cho uy tín của DN bị giảm sút trầm trọng mà các NĐT càng thêm mất niềm tin không chỉ về DN mà cả với TTCK nữa. “Tôi cho rằng cần phải có sự chế tài từ cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này. Điều đó cần thiết để củng cố niềm tin của NĐT đối với thị trường vốn”, ông Huỳnh Anh Tuấn nói. 

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.