Nông nghiệp đứng trước khó khăn chồng chất

25/11/2008 23:39 GMT+7

Hôm qua 25.11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát đã chủ trì hội nghị đánh giá tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, khủng hoảng kinh tế thế giới đang ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu nông sản, sản xuất, đầu tư dẫn đến việc làm và thu nhập của người nông dân bị suy giảm. Bộ NN-PTNT nhận định, năm 2009 sẽ là một năm đầy khó khăn. Bộ đã đưa ra 3 kịch bản. Kịch bản 1: Khủng hoảng tài chính, tín dụng sẽ tiếp tục lún sâu, kinh tế thế giới suy thoái cho đến hết năm 2009, đầu năm 2010 mới phục hồi. Thị trường nông sản bắt đầu chu kỳ điều chỉnh giảm, giá tất cả các loại nông sản giảm đến mức thấp nhất trong 8 năm qua.

Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sẽ chỉ đạt 10,8 tỉ USD, bằng 67% so với năm 2008. Kịch bản 2: Khủng hoảng kết thúc vào giữa năm 2009, kinh tế phục hồi chậm nên thị trường nông sản chưa lấy lại nhịp độ, giá nông sản xuất khẩu sụt giảm nhưng ở mức độ trung bình. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 13 tỉ USD, bằng 80% so với năm 2008. Kịch bản 3: Khủng hoảng kết thúc nhanh trong quý I năm 2009, kinh tế và hoạt động thương mại nhanh chóng được phục hồi. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của phương án này là 15,3 tỉ USD, bằng 95% kim ngạch của năm 2008.

Ông Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - cho rằng năm 2009, nông dân sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp trong khi người nông dân đã đuối sức, năm 2008 tích lũy không được nhiều sau những cuộc khủng hoảng thừa cá tra, lúa gạo... Theo Bộ NN-PTNT, trong bối cảnh hiện nay, ngành lương thực phải giữ vững sản lượng để đảm bảo an ninh lương thực; ngành chăn nuôi, thủy sản cần tận dụng cơ hội giá nguyên liệu đầu vào giảm để thúc đẩy sản xuất, chiếm lĩnh thị trường nội địa trước khi thực phẩm nhập khẩu ồ ạt đổ vào Việt Nam.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.