Nuôi tôm công nghệ cao trên cát

Mạnh Cường
Mạnh Cường
18/04/2019 06:55 GMT+7

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao tại Quảng Nam theo quy trình khép kín đầu tiên của cả nước bước đầu mang lại hiệu quả vượt trội, mở ra triển vọng cho vùng đất cát nơi này.

Công nghệ nuôi tôm sạch

Sau một thời gian nghiên cứu, tháng 10.2018, Công ty CP QNTEK (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) đã đầu tư hơn 40 tỉ đồng xây dựng các hạng mục hạ tầng phục vụ nuôi tôm công nghệ cao trên diện tích khoảng 6,5 ha tại thôn Phước An (xã Bình Hải, H.Thăng Bình, Quảng Nam). Khoảng 20 triệu con giống tôm thẻ chân trắng đã được thả nuôi, với mật độ cao (hơn 350 con/m2). Để nuôi tôm hiệu quả, doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới vào nuôi tôm thâm canh như ứng dụng công nghệ bọt khí Micro-Nano Oxygen, giữ ô xy hòa tan trong nước ≥ 6 ppm. Đồng thời, sử dụng các khoáng vi sinh dược liệu như đinh lăng, tỏi, ổi, an xoa, cà rốt…
Ông Trần Bá Cương, Giám đốc kỹ thuật Công ty CP QNTEK, cho biết đây là mô hình nuôi tôm theo quy trình khép kín, đầu tiên trên cả nước và kể cả khu vực Đông Nam Á. Quá trình nuôi tôm chỉ sử dụng các men vi sinh có sẵn trong môi trường, không sử dụng men vi sinh bổ sung để phân hủy chất hữu cơ, hạn chế tối đa mật độ tảo trong ao nuôi. Theo ông Cương, một trong những chỉ số quan trọng của môi trường nước là chỉ số ô xy. Nếu chỉ số ô xy trong nước cao thì cho thấy môi trường nước sạch, an toàn về các loại vi khuẩn và hóa chất độc hại sẽ tan trong nước. Các vi sinh vật gây hại cho tôm không phát triển, trong khi đó vi sinh vật có lợi cho tôm sẽ phân hủy chất hữu cơ.
Với nồng độ ô xy cao, con tôm sẽ lớn nhanh và sức đề kháng mạnh đúng với tiêu chí nuôi tôm sạch… “Vụ tôm này hiện đang trong thời kỳ xuất bán. Tuy nhiên, do giá cả còn xuống thấp nên phải chờ để giá lên mới xuất, hiện tôm khoảng 40 con/kg, có giá khoảng 160.000 đồng/kg. Nếu xuất hết trại tôm, ước tính thu khoảng 70 tỉ đồng”, ông Cương nói và cho hay hiện tôm trong 27 hồ nuôi không bị ảnh hưởng gì, đang phát triển rất tốt.

Xây dựng vùng nuôi tôm quy mô lớn

Đây là mô hình nuôi tôm được Quảng Nam chọn làm thí điểm trong lĩnh vực thủy sản. Khi phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, cần có chiến lược về thị trường tiêu thụ, cần xây dựng nhà máy chế biến, xuất khẩu tôm

Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Ông Trần Bá Cương cũng cho rằng, đầu tư nuôi tôm công nghệ cao đi đôi với xác lập quy trình nuôi tôm sạch, không sử dụng kháng sinh, hóa chất… sẽ đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu khắt khe của thị trường trong và ngoài nước, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dùng.
Để nuôi tôm theo quy trình này, mỗi héc ta doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và trang thiết bị máy móc khoảng 6 tỉ đồng. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, quy mô lên khoảng 100 ha và đưa quy trình nuôi này cho người dân địa phương áp dụng. “Chúng tôi sẽ xây dựng nhà máy chế biến tôm khoảng 20.000 tấn/năm. Khi có nhà máy chế biến chúng tôi sẽ thu mua tôm của bà con cùng với tôm của công ty nuôi, đồng thời sẽ ký kết hợp đồng xuất khẩu tôm với một số doanh nghiệp nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản”, ông Cương chia sẻ.
Khi tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao này, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận định đây là mô hình rất tiến bộ, có nhiều cải tiến, ứng dụng công nghệ tiên tiến hơn, đặc biệt là vấn đề xử lý môi trường. Đây là mô hình nuôi tôm được Quảng Nam rất khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thuận lợi.
Từ mô hình nuôi đầu tiên này, tỉnh sẽ động viên doanh nghiệp cùng với người dân trong vùng quy hoạch nuôi tôm trên cát ở Thăng Bình, Núi Thành hợp tác đầu tư hệ thống hạ tầng, xây dựng vùng nuôi tôm có quy mô lớn, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Trên cơ sở này, công tác quản lý, khai thác và tổ chức chế biến cũng được tăng cường nhằm nâng cao giá trị con tôm, góp phần cải thiện đời sống người dân và bảo vệ môi trường…
“Đây là mô hình nuôi tôm được Quảng Nam chọn làm thí điểm trong lĩnh vực thủy sản. Khi phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, cần có chiến lược về thị trường tiêu thụ, cần xây dựng nhà máy chế biến, xuất khẩu tôm”, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.