Ồ ạt đào đất lúa nuôi cá giống

19/04/2018 05:06 GMT+7

Bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương về nguy cơ ảnh hưởng đến công tác quy hoạch và ô nhiễm môi trường tự nhiên, nông dân huyện đầu nguồn Tân Hưng (Long An) vẫn ồ ạt đào đất trồng lúa để làm ao nuôi cá tra giống.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Long An, diện tích nuôi cá tra bột toàn tỉnh hiện đã lên gần 1.000 ha. Trong đó H.Tân Hưng có hơn 800 ha, tập trung tại 2 xã Hưng Điền và Hưng Điền B. Nhiều diện tích lúa vừa thu hoạch xong là nông dân thuê ngay máy đến móc đất làm bờ bao để thả cá giống.
Những ngày này, đi dọc tuyến đường cặp kênh KT9 nối liền 2 xã Hưng Hà và Hưng Điền B (H.Tân Hưng, Long An) sẽ dễ dàng bắt gặp hàng loạt máy xúc đất đang khẩn trương đào từng thửa ruộng, đắp thành bờ ao bao bọc xung quanh để chuẩn bị nuôi cá. Cứ khoảng 10 hộ thì có 6 - 7 hộ tự ý thay đổi quy hoạch dù chưa được chính quyền cho phép.
Bà Diệp Thị Ngươn (53 tuổi, ngụ ấp Gò Pháo, xã Hưng Điền B, H.Tân Hưng) cho biết vốn đầu tư 1 ha nuôi cá tra giống trên 200 triệu đồng, nếu trúng giá có thể lãi cao gấp 10 lần trồng lúa. Gần đây, gia đình bà vừa thu hoạch ao 1 ha, giá bán 71.000 đồng/kg (loại 35 con/kg) thu lãi khoảng 320 triệu đồng. Tới đây bà sẽ mở rộng diện tích nuôi cá tra lên 4 ha và xóa dần cây lúa.
Cách nhà bà Ngươn vài trăm mét, ông Lê Trường An (46 tuổi) cho biết thấy bà con ồ ạt đào ao nuôi cá tra giống, ai cũng nói lãi cao, thu hồi vốn nhanh nên ông vay mượn đầu tư nuôi hơn 1 ha. Tuy nhiên, do bước đầu thiếu kinh nghiệm nên ông lỗ nặng. Theo ông An, có hộ phải thả 5 - 6 lần mới được, trường hợp đó coi như cầm chắc lỗ. Chưa kể vấn đề tìm đầu ra cho cá tra giống đang là nỗi lo của người nuôi.
Tương tự, một người nuôi cá khác là ông Trần Tuấn Anh (44 tuổi, ngụ xã Hưng Điền B) cho biết dù nghề nuôi cá tra bột rất mong manh, chủ yếu chạy theo phong trào nhưng người nuôi cố giấu sự thật, đồn thổi lãi cao để những hộ dân khác nôn nao bỏ cây lúa chuyển sang nuôi cá. Hiện đã có nhiều trường hợp người dân cho thuê ao nuôi.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Vũ Linh, Chủ tịch UBND xã Hưng Điền B, cho biết hiện nghề nuôi cá tra giống mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa là có thật. Tuy nhiên, UBND xã không khuyến khích vì lo sợ người dân nuôi ồ ạt sẽ gặp khó khăn về đầu ra, nhiều hộ thiếu kinh nghiệm bị lỗ vốn trong khi tiền đầu tư phải đi vay mượn. “Chính quyền đang tập trung tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân, không tự ý chuyển mục đích đất ruộng lúa thành ao nuôi cá. Nếu cứ làm bừa sẽ ảnh hưởng đến công tác quy hoạch và nguy cơ ô nhiễm môi trường tự nhiên”, ông Linh nói.
Ông Trương Đông Hồ, Chủ tịch UBND xã Hưng Điền, cũng thừa nhận hầu hết diện tích ao nuôi cá tra giống tại địa phương đều do nông dân tự ý chuyển đổi, không nằm trong khu quy hoạch của xã. “Đối với diện tích đã đào ao nuôi cá, địa phương cử cán bộ chuyên môn rà soát, lập biên bản đề nghị các hộ dân phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nếu hộ dân không hoàn thành các thủ tục chúng tôi sẽ đề nghị khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Hiện lãnh đạo UBND H.Tân Hưng đang chỉ đạo thống kê toàn bộ diện tích để báo về tỉnh”, ông Hồ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.