'Ông lớn' ngành thép lãi vẫn… kêu khó

Chí Hiếu
Chí Hiếu
11/05/2021 16:35 GMT+7

Mặc dù giá thép thành phẩm nửa năm qua đã tăng 40-50% và các nhà máy thép đều chạy tối đa công suất, sản lượng tăng vọt, lợi nhuận cũng tăng mạnh, nhưng nhiều ông lớn ngành thép vẫn đồng loạt kêu… khó.

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, về định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2021, trong đó có nội dung quan trọng là câu chuyện giá thép.

Doanh nghiệp thép lãi đậm

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước; nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.
Chỉ đạo được đưa ra trong bối cảnh giá thép trong nước mấy tháng liền nhảy múa, khiến hầu hết doanh nghiệp từ xây lắp, cơ khí, bất động sản… lao đao.
Cụ thể, theo báo giá của các doanh nghiệp lớn ngành thép, thì giá thép cây đã tăng 42% tính từ tháng 10.2020 đến nay. Trong khi đó, giá thép cuộn đã tăng tới tăng 56% trong đúng nửa năm qua.
Dữ liệu trên Sở Giao dịch hàng hoá VN (MVX) cho hay, chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm, thì tuyệt đại đa số các loại thép đều tăng từ 25 - 30% so với thời điểm cuối năm 2020.

Giá thép tăng cao khiến lợi nhuận doanh nghiệp ngành thép tăng khủng

Ảnh Chí Hiếu

Điều này cũng khiến doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép tăng đột biến. Điển hình như Tập đoàn Hoà Phát, chỉ trong quý 1, doanh thu đạt 31.000 tỉ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 7.000 tỉ đồng, cao gấp 3 lần so với quý 1/2020.
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hoa Sen cũng gấp 5 lần, lên 1.035 tỉ đồng. Còn lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam cho hay, so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận quý 1 đạt 394 tỉ đồng, gấp 13,5 lần cùng kỳ.

Chi phí tăng vọt, tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thế nhưng, điều bất ngờ, là chia sẻ với Thanh Niên, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ngành thép than khó, bởi giá đầu vào tăng mạnh không kém, đặc biệt là 2 nguyên liệu chính gồm phế liệu và quặng sắt.
Đại diện Tập đoàn Hoà Phát cho biết, nếu làm lò điện, để làm ra 1 tấn thép thô, cần phải 1,1 tấn phế liệu. “Nhưng từ đầu tháng 4 đến nay, giá phế liệu tăng từ 430 USD lên 500 USD/tấn, tức tăng 70 USD sau 1 tháng; còn từ tháng 11.2020 đến nay, giá phế liệu đã tăng từ mức 300 USD lên 500 USD/tấn, gần gấp đôi trong 6 tháng. Nhưng không thể đẩy hết các chi phí này vào giá bán được, tức là không cõng được hết chi phí nguyên liệu tăng”, vị này nói.
Lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam thì cho hay, nếu như tháng 5.2020, giá quặng sắt ở mức 88 USD/tấn thì tháng 5.2021 đã lên mức 229 USD/tấn, tức cao gấp 2,6 lần. Nếu chỉ tính riêng từ tháng 4 đến tháng 5.2021, giá quặng tăng “dựng đứng” từ 167 USD lên 229 USD/tấn, tăng 62 USD sau 1 tháng và giá quặng vẫn đang trên đà tăng, chưa có dấu hiệu dừng lại.
“Hiện nhà máy áp dụng lò cao liên động, tức luyện thép từ quặng sắt thì quặng sắt chiếm gần 50% giá thành. Việc lợi nhuận tăng là có nhưng giá vốn tăng rất cao nên rất nhiều rủi ro, nhất là nếu thị trường đi xuống”, ông cho biết.
Trả lời Thanh Niên, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm tin tức hàng hoá (Sở Giao dịch hàng hoá VN (MVX), thừa nhận thị trường quặng sắt tăng mạnh kể từ cuối năm 2020 và tiếp tục đà tăng trong giai đoạn đầu năm 2021. Tính đến cuối tháng 4, giá quặng sắt trên sàn Singapore đã tăng 9,1% so với thời điểm 1.1.2021, và tăng tới 16,13% so với mức đáy trong năm 2021. Hợp đồng quặng sắt tháng 6 tăng 10,3% lên 226,25 USD/tấn. Ngày 10.5, giá quặng sắt trên sàn của Trung Quốc tăng 10% lên mức cao kỷ lục.
Lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam phân tích, Trung Quốc đang chiếm 70% lượng quặng nhập đường biển toàn cầu, và chi phối hoàn toàn giá quặng sắt thế giới. Nhu cầu thép ở quốc gia này rất lớn, đặc biệt Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư nhằm phục hồi sau dịch Covid-19. Vì vậy, các nhà sản xuất Trung Quốc đang tích cực dự trữ, nhập nguyên vật liệu cho sản xuất.
“Những lo ngại về nguồn cung cũng thúc đẩy giá quặng sắt do quan hệ giữa nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc và nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất Australia có dấu hiệu xấu đi. Căng thẳng thương mại Trung - Úc khiến Trung Quốc tích trữ nguyên liệu cho sản xuất. Đó là những yếu tố khiến thị trường rất nhiều rủi ro”, ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, lo ngại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.