Phẳng, sẻ chia và một thế giới mới

31/01/2017 09:00 GMT+7

Mô hình kinh tế chia sẻ đang góp phần định hình bước tiến mới cho làn sóng toàn cầu hóa.

Năm 2005, cuốn sách Thế giới phẳng của Thomas L.Friedman, biên tập viên tờ The New York Times, gây chú ý mạnh mẽ, lọt vào trong danh sách “best seller” bởi đã “tóm tắt lịch sử thế kỷ 21” một cách khá chính xác về xu hướng toàn cầu hóa. Thế nhưng, chỉ hơn 10 năm sau, thế giới phẳng với xu hướng toàn cầu hóa do tác giả Friedman chỉ ra đã có thêm những bước tiến với tốc độ khó tin. Những bước tiến đó đến từ sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy) trong kỷ nguyên công nghệ thông tin, thiết bị di động, internet vạn vật, phương thức thanh toán đang bùng nổ.
Thực tế, thế giới phẳng ngày nay không chỉ là sân chơi của những tập đoàn toàn cầu mà còn của những người dân có thể chưa từng kinh doanh. Nếu lần trước đến Mỹ, tôi chọn ở khách sạn thuộc hệ thống Holiday Inn danh tiếng, thì lần thứ hai quay lại chốn cũ, nơi tôi ở lại là một căn phòng của nhà người dân cách khách sạn kia chưa đầy 100 bước chân. Vẫn có những ưu thế về các dịch vụ công cộng như nhau, chất lượng phòng ốc như nhau và còn được tiếp đãi như những người bạn, nhưng mức giá của căn phòng tôi thuê của người dân chỉ khoảng 30% căn phòng ở Holiday Inn. Tất cả là nhờ thông qua ứng dụng chia sẻ chỗ ở được cung cấp bởi Airbnb, cho phép những ai dư phòng hay dư nhà đều có thể đăng lên giới thiệu, để những du khách hay người đi công tác thuê lại trong một khoảng thời gian nhất định. Cứ như thế, chủ nhà nào cũng có thể cung cấp dịch vụ phòng trọ và quảng bá ra khắp thế giới. Nhiều bạn trẻ đã không còn lựa chọn khách sạn để lưu trú cho những chuyến du lịch.
Không chỉ thuê chỗ ở, từ Việt Nam, bạn có thể thông qua dịch vụ Sharedesk để đặt trước một văn phòng để làm việc tạm thời, bao gồm cả phòng họp cho một chuyến công tác ở Singapore, Canada hay Mỹ… Phía cho thuê chính là những công ty có chỗ trống không dùng đến trong cùng khoảng thời gian bạn cần. Tương tự, các dịch vụ chia sẻ xe hơi lẫn xe máy như Grab, Lyft, Uber… đang bành trướng khắp thế giới. Dựa vào các dịch vụ này, những người dư xe hơi có thể tận dụng chạy taxi trong lúc xe nhàn rỗi. Ngay tại Việt Nam, không ít bạn trẻ, nhân viên văn phòng cũng tận dụng xe máy của mình những lúc rỗi rảnh để chạy “xe ôm”. Rồi ngay cả những hướng dẫn viên du lịch địa phương cũng đang có thể tự thân hoạt động, giới thiệu tour riêng của mình đến khắp thế giới nhờ vào Công ty ToursByLocals chỉ với vài chục nhân sự nhưng đang kết nối gần 2.000 hướng dẫn viên du lịch tại hơn 150 nước. Từ dịch vụ này, bạn có thể dễ dàng tiếp cận những hướng dẫn viên địa phương để trải nghiệm vùng đất mới. Đặc biệt, trang gọi quỹ góp vốn Kickstarter còn giúp mọi người trình bày ý tưởng khởi nghiệp để từ đó những người khác có thể góp vốn. Ai cũng có thể góp vốn chứ không còn giới hạn cho các doanh nghiệp hay quỹ đầu tư.
Giới chuyên gia nhận định sẽ còn nhiều và rất nhiều các mô hình kinh tế chia sẻ tiếp tục phát triển trong tương lai không xa. Song hành cùng sự phát triển của công nghệ, kinh tế chia sẻ còn có ưu điểm về sự minh bạch khi tài xế Uber hay Grab đối xử với khách thế nào, chủ nhà cho thuê trên Airbnb có thân thiện hay không, hướng dẫn viên địa phương có chuyên nghiệp hay không… đều được đánh giá rõ ràng qua phản hồi của những người khách cũ. Chính vì thế, kinh tế chia sẻ cùng một thế giới phẳng - toàn cầu hóa đang mở ra một thế giới mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.