Hội nghị sơ có sự tham dự của đại diện ngành nông nghiệp thuộc 9 tỉnh, thành ĐBSCL và các doanh nghiệp, người nuôi cá tra. Hội nghị do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức tại TP.Long Xuyên ngày 21.8.
Báo cáo tại hội nghị, đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, tính đến ngày 30.7, diện tích ương cá tra giống tăng khoảng 800 ha so với cùng kỳ 2017 và diện tích thả nuôi là 4.033 ha (bằng 106,1% so với cùng kỳ), diện tích thu hoạch là 2.335 ha (bằng 108,2% so với cùng kỳ 2017) và sản lượng thu hoạch đạt 814.086 tấn (bằng 114,4% so với cùng kỳ năm 2017). Tính từ đầu năm đến ngày 30.7, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,198 tỉ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, với tình hình khả quan này, mục tiêu xuất khẩu cá tra đạt 2 tỉ USD không khó. Đến nay VN đã xuất khẩu cá tra sang 125 thị trường, trong đó xuất khẩu sang các thị trường chính Trung Quốc, Mỹ, EU, ASEAN tăng trên 2 con số và Trung Quốc tăng mạnh nhất 41%.
Đại diện các doanh nghiệp cho biết họ rất đồng tình với đề án cá tra giống 3 cấp vì muốn có con giống tốt phải có cá bố mẹ tốt. Tuy nhiên, đề án giống cá tra 3 cấp chỉ mới giải quyết được 50% nhu cầu con giống cho vùng ĐBSCL, do đó các địa phương phải có biện pháp quản lý chặt chẽ các hộ nuôi ương để bảo đảm nguồn cá sạch. Ngoài ra, việc mở rộng diện tích không dựa trên khả năng tiêu thụ và không liên kết chặt chẽ đầu ra với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu có thể gây dư thừa, sụt giá.
Kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng khi đề án đi vào thực hiện, cá tra VN sẽ được kiểm soát chặt chẽ để ngành cá tra phát triển.
Bình luận