Phát triển Khu kinh tế vịnh Vân Phong: Cần đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích

17/01/2008 22:27 GMT+7

Công trình cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa (giai đoạn khởi động) dự kiến được khởi công vào cuối tháng 1.2008. Tuy nhiên chiều qua 17.1, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu chưa khởi công để làm rõ một số vấn đề liên quan.

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu kinh tế vịnh Vân Phong là khu kinh tế tổng hợp đa ngành: cảng trung chuyển, công nghiệp, du lịch, dịch vụ... Mới đây, Tập đoàn POSCO (Hàn Quốc) đã đề nghị xây dựng nhà máy sản xuất thép liên hợp, nhà máy điện tại nơi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là khu xây dựng cảng container tiềm năng, khu hậu cần cảng và một phần khu kinh tế phi thuế quan. Xung quanh đề nghị của Tập đoàn POSCO có những ý kiến khác nhau :

Theo báo cáo của Tập đoàn POSCO, ngay trong giai đoạn 1 của dự án, vốn đầu tư sẽ đạt 5,8 tỉ USD. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ tạo ra nguồn thu rất lớn cho tỉnh Khánh Hòa, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng chuyên dụng của khu liên hợp sản xuất thép - nhiệt điện khoảng 50 triệu tấn/năm, đồng thời tạo ra hơn 100.000 việc làm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương... Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho rằng dự án cảng trung chuyển tại Vân Phong là lâu dài, có tầm quan trọng đối với Khu kinh tế vịnh Vân Phong, tuy nhiên cần có khoảng thời gian thích hợp mới phát huy được hiệu quả. Còn các dự án của Tập đoàn POSCO có thể triển khai nhanh, có khả năng duy trì tốc độ tăng số thu hằng năm cho ngân sách trong tương lai, giải quyết nhiều việc làm cho người dân địa phương, nên cần được ủng hộ. Với công nghệ, thiết bị sản xuất mới, hiện đại mà Tập đoàn POSCO dự định triển khai tại các dự án ở Vân Phong thì vấn đề môi trường có thể yên tâm.

Tuy nhiên ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa lại có ý kiến khác: Dự án của Tập đoàn POSCO được triển khai thì cảng trung chuyển quốc tế sẽ lọt thỏm vào phía trong, "mặt tiền" chỉ còn rất ít, có thể chủ đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế sẽ bỏ không làm nữa. Theo tính toán, nếu mỗi năm nhà máy sản xuất 8 triệu tấn thép thì phải cần khoảng 30 triệu tấn quặng, chục triệu tấn than...; như vậy, mỗi năm sản xuất thép thải ra hàng chục triệu tấn bã quặng và xỉ than. Ở Hàn Quốc người ta dùng chất thải này để lấn biển, còn ở nước ta thì đổ vào đâu? Ngoài ra, phải lấp khoảng 360 ha biển ngay từ giai đoạn đầu để xây dựng nhà máy. Như vậy vịnh Đầm Môn có 4 phần bị lấp mất một phần. Bên cạnh đó, hằng ngày phải nung hàng chục vạn tấn hỗn hợp ở nhiệt độ trên 2.000oC, dẫn đến nhiệt độ khu vực xung quanh tăng lên. Rồi việc xử lý nhiều chất độc hại trong quá trình luyện thép sẽ ra sao? Lợi ích của cảng trung chuyển quốc tế là lâu dài. Việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế theo quy hoạch đã được phê duyệt sẽ tốt hơn, bởi vấn đề môi trường là chấp nhận được, đồng thời dung hòa với các lợi ích kinh tế khác, trong đó có du lịch. 

Phân tích của ông Phạm Văn Chi về việc "hàng chục triệu tấn bã quặng và xỉ than thải ra mỗi năm" trong quá trình luyện thép rất đáng lưu tâm. Bởi nhiều năm qua, Nhà máy tàu biển Hyundai - Vinashin ở phía nam vịnh Vân Phong đã thải ra khối lượng khổng lồ chất thải độc hại trong quá trình dùng hạt nix phun làm sạch vỏ tàu, mà việc khắc phục hậu quả không thể một sớm một chiều.

Đề nghị của Tập đoàn POSCO xây dựng khu liên hợp sản xuất thép - nhiệt điện tại Vân Phong liên quan đến lợi ích trước mắt và lâu dài, lợi ích của các ngành kinh tế khác ở khu kinh tế vịnh Vân Phong; liên quan đến môi trường, hoạt động du lịch và người nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, đề nghị trên đây cần được xem xét một cách thận trọng.

Xuân Hòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.