Nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến
Theo EVN SPC, tình hình cung cấp điện tại thời điểm tháng 5.2019, sản lượng bình quân 210.984.657 kWh/ngày và sản lượng ngày lớn nhất là 235.336.712 kWh/ngày, tăng 12,19% so với tháng 5.2018; công suất lớn nhất là 11.284 MW, tăng 9,84% so với cùng kỳ 2018. Theo kế hoạch, sản lượng điện thương phẩm năm 2019 sẽ đạt gần 74 tỉ kWh, tăng 10% so năm trước, đây cũng là dự báo mức tăng của các năm tiếp theo.
Trong sản lượng điện thương phẩm, điện sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng khoảng 59%, tăng trên 12%. Nhiều địa phương như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, tỷ trọng điện lĩnh vực này chiếm trên 70%. Cùng với kinh tế phát triển, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn khiến nhu cầu điện cho nông - lâm - thủy lợi tăng trên 20%; lĩnh vực thương mại, khách sạn, nhà hàng mức tăng trên 19%. Điện phục vụ đời sống sinh hoạt cũng tăng đột biến, khó lường trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao đỉnh điểm…Các yếu tố trên cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động vận hành hệ thống cung cấp điện của EVN SPC.
Giải pháp giảm lực nguồn cung cấp điện
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc EVN SPC, cho biết nhằm giảm áp lực nguồn cung cấp điện, Tổng công ty đã triển khai cho các đơn vị thành viên áp dụng nhiều biện pháp mang lại hiệu quả thiết thực.
Về giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, ngành điện tích cực tuyên truyền giúp người dân biết và hưởng ứng qua các kênh truyền thông đại chúng; thường xuyên triển khai đào tạo, hướng dẫn lực lượng tuyên truyền viên là hội viên các tổ chức hội, đoàn thể tại địa phương những kiến thức, kỹ năng về tiết kiệm điện. Triển khai sự kiện Giờ Trái đất, chương trình “Gia đình tiết kiệm điện, ấp/tuyến phố tiết kiệm điện”, “Tiết kiệm điện trong trường học”; Tổ chức Ngày hội tiết kiệm điện; tiết kiệm điện trong nuôi trồng…
Về phát triển nguồn năng lượng điện tái tạo, đến nay trên địa bàn 21 tỉnh, thành phía Nam đã có 84 nhà máy điện năng lượng tái tạo được thỏa thuận đấu nối, với 22 nhà máy điện gió và 62 nhà máy điện mặt trời. Dự kiến, đến ngày 30.6.2019 có 51 nhà máy điện năng lượng tái tạo đưa vào vận hành (gồm 6 nhà máy điện gió với công suất 236,2 MW và 45 nhà máy điện mặt trời với công suất là 2.255 MWp).
Đối với hệ thống điện mặt trời trên mái nhà (ĐMTMN), EVN SPC triển khai lắp đặt điện mặt trời tại tất cả mái nhà văn phòng các Công ty Điện lực/Điện lực, trạm biến áp phân phối do EVN SPC quản lý. Dự kiến khoảng 400 vị trí với công suất dự kiến khoảng 13MWp. Trên địa bàn có hơn 1.435 khách hàng hưởng ứng lắp đặt ĐMTMN đã được lắp đặt công tơ 2 chiều, tổng công suất tấm pin là 22.504 kWp, với sản lượng ngoài phần khách hàng sử dụng còn được phát bán lên lưới bán cho ngành điện là 2.878.355 kWh với giá 9,35cent USD/kWh tương ứng 2.134 đồng/kWh tính cho năm 2019.
Để nguồn điện này đạt khoảng 95.650 kWp, trong năm 2019, EVN SPC đã triển khai phổ biến, quảng bá trên các phương tiện truyền thông công cộng khuyến khích lắp đặt ĐMTMN; quy trình đăng ký, tiếp nhận hồ sơ đề nghị lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà; quy trình thủ tục nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện ĐMTMN.
Theo ông Nguyễn Văn Lý, khách hàng sử dụng điện tại 21 tỉnh thành phía Nam, từ Ninh Thuận đến Cà Mau, lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà sẽ được EVN SPC lắp đặt miễn phí công tơ đo đếm hai chiều đo đếm điện năng; ký kết hợp đồng mua lượng điện dư từ hệ thống ĐMTMN của hộ dân/doanh nghiệp phát lên lưới điện; thanh toán tiền hằng tháng theo giá quy định, thực hiện miễn phí các hồ sơ liên quan việc đấu nối vào lưới điện, ghi chỉ số, thanh toán tiền ĐMTMN đến khách hàng định kỳ tháng.
Khách hàng có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà liên hệ Tổng đài 19001006 và 19009000 của Trung tâm chăm sóc khách hàng Điện lực miền Nam hoặc truy cập trang web https://cskh.evnspc.vn. Nhân viên ngành Điện sẽ đến tận nơi tư vấn và hỗ trợ.
|
Bình luận (0)