Phát triển thủy điện miền Trung: Được gì, mất gì?

23/10/2009 00:13 GMT+7

Sự phát triển thủy điện ở miền Trung cần được đánh giá một cách sòng phẳng, muốn có điện phải mất rừng. Nếu chọn điện thì cần thiết có một chính sách cải thiện diện tích và nâng cao chất lượng rừng đầu nguồn ngay từ bây giờ. Nghe đọc bài

Được điện

Theo tính toán của Công ty tư vấn xây dựng điện 1 thuộc EVN, trên hệ thống Vu Gia - Thu Bồn có tới 10 công trình thủy điện bậc thang với tổng công suất lắp máy 1.279 MW, gấp 1,76 lần so với Nhà máy thủy điện Yaly (Gia Lai - Kon Tum), sản lượng điện bình quân hằng năm là 4.751,3 tỉ kWh. Còn theo Phê duyệt quy hoạch bậc thang thủy điện hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn do EVN đưa ra, thì hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn gồm 8 dự án thủy điện. Đó là chưa kể vừa qua, ông Lê Minh Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã dũng cảm cho dừng việc khảo sát, nghiên cứu khả thi đầu tư 5 dự án thủy điện có ảnh hưởng đến Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh.

“Ngoài hàng trăm hecta rừng phòng hộ xung yếu, công trình thủy điện Trà Xom còn nuốt mất của xã Vĩnh Sơn gần 80% diện tích sản xuất lúa và hàng trăm hecta diện tích nương rẫy”

Ông Đinh Đrin - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định)

Trong khi đó, tại Thừa Thiên-Huế, tỉnh đã quy hoạch phát triển 11 dự án thủy điện thuộc hệ thống sông Hương và các huyện miền núi khác với tổng công suất khoảng 360 MW với luận điểm “sẽ góp phần đáng kể trong việc "chia lửa" với cả nước trong vấn đề thiếu điện, đồng thời thúc đẩy kinh tế - xã hội cho vùng trung du, và miền núi tỉnh Thừa Thiên- Huế đi lên...”.

Dự án thủy điện Thượng Lộ tại huyện miền núi Nam Đông và 3 công trình thủy điện đã được xây dựng gồm thủy điện Bình Điền, thủy điện Hương Điền và thủy điện A Lưới trên sông A Sáp đã được thi công đang gây ra những ý kiến lo ngại. Ngoài các công trình trên, Thừa Thiên-Huế còn có các thủy điện vừa và nhỏ như A Roàng, Hồng Hạ, Thượng Nhật, Sông Bồ, A Ling, Hồng Thuỷ (huyện A Lưới) đang trong giai đoạn nghiên cứu lập báo cáo đầu tư...

Tại Bình Định, đến hết năm 2008, đã có 7 công trình thủy điện được cấp phép, có khoảng 20 dự án thủy điện lớn, nhỏ khác đang chờ phê duyệt. Riêng huyện Vĩnh Thạnh, địa phương này đang “gánh” đến 11 công trình thủy điện lớn đã được xây dựng và được phê duyệt.

Theo quy hoạch của ngành điện, từ nay đến năm 2020, có 60 dự án lớn (từ trên 54 MW đến 2.400 MW) sẽ được đầu tư. Mặt khác, khá nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ (30 MW trở xuống) đang phát triển rất mạnh. Kon Tum có khoảng 80 dự án, Quảng Nam có khoảng 57, Đắk Nông có 64... Có nhiều công trình có quy mô chỉ ở công suất thiết kế từ 5 - 10 MW.

Cầu Quảng Huế (Đại Lộc, Quảng Nam) trở thành lâm trường do gỗ rừng trôi về dày đặc sau lũ - Ảnh: Lê Văn Thọ

Mất rừng

Hàng cây số vuông gỗ rừng trên sông theo lũ tấp vào cầu Quảng Huế và cả trong lòng hồ thủy điện A Vương vừa qua là hậu quả nhãn tiền cho thấy ngoài vấn nạn lâm tặc, việc thi công các hồ chứa thủy điện và xây dựng đường công vụ cho thi công các công trình liên quan đã cày xới các khu rừng nguyên sinh là hoàn toàn đáng báo động.

Theo như hồ sơ các dự án, công trình thủy điện ở Bình Định: Trà Xom sẽ làm mất 633,7 ha rừng đầu nguồn huyện Vĩnh Thạnh. Để làm các công trình thủy điện Vĩnh Sơn 2, Vĩnh Sơn 3, sẽ có gần 700 ha rừng của huyện An Lão, Vĩnh Thạnh bị “làm cỏ”. Các thủy điện Vĩnh Sơn 4, Vĩnh Sơn 5; thủy điện Nước Lương sẽ “ăn mất” gần 400 ha khác của tỉnh Bình Định.

Bởi vậy, khi một công trình thủy điện “có mặt” là đồng nghĩa với hàng trăm hecta rừng phòng hộ đầu nguồn (PHĐN) xung yếu bị “khai tử”. Bà Huỳnh Thị Thanh Thủy - PGĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên - nhận định: “Hầu hết các dự án thủy  điện đều “đụng” đến rừng phòng hộ xung yếu vì những dự án càng về sau càng phải đi sâu hơn vào rừng như thủy điện ĐakPle, thủy điện Ken Lút Hạ. Nếu lấy con số công suất  20 MW, làm tiêu hết trên 600 ha rừng của thủy điện Trà Xom làm mốc thì A Vương có công suất gấp 10 lần (210 MW) sẽ hủy diệt một diện tích rừng nguyên sinh ở khu vực phía tây bắc Quảng Nam đến đâu?”.

Về khía cạnh môi trường sinh thái, mặc dù các dự án thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có thực hiện đồng thời các nhiệm vụ phát điện lên hệ thống điện quốc gia; bổ sung nguồn nước về mùa kiệt cho hạ du và tham gia giảm lũ, chậm lũ cho hạ du như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, nhưng lưu vực Thu Bồn - Vu Gia cũng là nơi tập trung lớn nhất của các loài đặc hữu sinh sống tại các khu rừng mưa nhiệt đới, vốn được coi là một trong những nơi cuối cùng ít chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhưng nay sẽ bị ảnh hưởng. Những loài động vật ở đây bao gồm sao la, loài động vật đang bị nguy cấp, là một loài thú giống như hươu nai, được phát hiện vào năm 1992.

Còn tại Thừa Thiên-Huế, sau khi các công trình về phía thượng nguồn như: hồ Tả Trạch và các hồ đập thủy điện đi vào hoạt động, theo các nhà nghiên cứu, quá trình trao đổi nước giữa sông và biển bị hạn chế làm giảm đáng kể các loài động, thực vật thủy sinh. Các nhóm sống trôi nổi trên mặt nước (bèo) và rong đã phát triển mạnh cả về quần thể và vùng phân bố, phát triển thành những thảm lớn và dày ở ven bờ. Sự bùng phát thực vật thủy  sinh ở sông Hương đã làm giảm đi phần nào tính thẩm mỹ và cảnh quan của sông Hương.

Ông Bùi Cách Tuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường): Lo ngại mất dòng chảy sinh thái của sông

Lo ngại nhất đối với việc xây dựng nhiều công trình thủy điện trên cùng một lưu vực sông là việc ngăn nước của các nhà máy sẽ làm mất đi dòng chảy sinh thái của sông, ảnh hưởng đến hệ động thực vật xung quanh. Đến giờ tôi vẫn chưa được tiếp cận với một báo cáo tổng thể về việc ngăn nước trên các hệ thống sông làm thủy điện có làm mất đi dòng chảy sinh thái hay không.

Ông Hoàng Văn Bảy, Cục phó Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài Nguyên và Môi trường): Nguy cơ mất an toàn mùa lũ, thiếu nước về mùa khô

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương thống kê, rà soát phân loại để lập danh mục các hồ chứa thủy điện, thủy lợi phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và lên kế hoạch tổng thể xây dựng quy trình vận hành liên hồ, trong đó có các hồ thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trên các sông: Sêsan, Sêrêpôk, sông Ba, sông Hinh, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối quý 2 năm 2010.

Trong mấy năm vừa qua việc xây dựng các công trình thủy điện trên các lưu vực sông tại miền Trung và Tây Nguyên tương đối ồ ạt, thủy điện vừa và lớn thì do Bộ Công thương quy hoạch nhưng các địa phương cũng tiến hành quy hoạch thủy điện nhỏ. Hàng loạt công trình thủy điện từ lớn đến nhỏ sẽ cùng được xây dựng trên cùng một lưu vực hay một dòng sông, nhưng chưa được đánh giá tác động mang tính hệ thống, trên phạm vi toàn lưu vực, đặc biệt là việc điều tiết nước để cấp nước trong mùa cạn và phòng, chống lũ cho hạ du trong mùa lũ.

Hiện nay các nhà đầu tư xây dựng thủy điện, nhất là thủy điện vừa và nhỏ lại thiên nhiều về mục tiêu phát điện mà có phần không chú trọng đúng mức đến vận hành hồ thủy điện đảm bảo các mục tiêu như đã nêu ở trên. Thực trạng này, khiến cho nguy cơ mất an toàn về mùa lũ, thiếu nước về mùa khô tại hạ du các lưu vực sông là rất cao.

Quang Duẩn (ghi)

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.