PNTR - Bước cuối cùng bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ

16/06/2006 00:47 GMT+7

Quốc hội Mỹ sẽ thông qua PNTR cho VN như thế nào ? 15 giờ 30 ngày 13.6 (giờ Washington D.C), tại phòng họp lớn Mansfield của Quốc hội Mỹ, đông đảo các nghị sĩ, quan chức hành pháp, doanh nghiệp (DN), các nhà ngoại giao Việt Nam, Hoa Kỳ đã chứng kiến một trong những sự kiện có ý nghĩa trong quan hệ giữa hai nước: dự luật thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) được trình ra QH Mỹ. Một thượng nghị sĩ (TNS) gọi: "Đây là một bước đi cuối cùng trong quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước".


Đúng 2 tuần sau khi hai nước chính thức ký thỏa thuận lịch sử về kết thúc đàm phán song phương cho Việt Nam (VN) gia nhập WTO, các nghị sĩ Mỹ có thế lực trên đồi Capitol đã chính thức trình dự luật trao PNTR cho VN. Tại Thượng viện, các TNS Max Baucus và Gordon Smith đồng bảo trợ cho dự luật này. Tại Hạ viện, một nhóm các hạ nghị sĩ (HNS) Dân chủ và Cộng hòa đồng bảo trợ cho dự luật này, trong đó có một số thành viên Ủy ban Ngân sách và Thuế vụ - cơ quan có thẩm quyền thảo luận và tư vấn và trình Hạ viện về vấn đề này.


Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, TNS Richard Lugar tiếp Thủ tướng Phan Văn Khải tháng 6.2005 tại Mỹ - Ảnh: Khang Hoa

Phát biểu tại cuộc họp báo công bố dự luật, TNS Max Baucus nói PNTR là bước đi cuối cùng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt được bắt đầu từ năm 1991, dưới thời Tổng thống George H.Bush. Quá trình đó được khởi xướng với sự đồng thuận của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng như Nhà Trắng và đồi Capitol. Ông Baucus nói thêm: "Với hơn 80 triệu dân, đa số là những người dưới 25 tuổi, VN là một trong các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á, là thị trường quan trọng đối với các DN Mỹ". Ông Baucus tỏ ý tin tưởng rằng với sự ủng hộ mạnh mẽ của các nghị sĩ đến từ cả hai đảng cũng như của Nhà Trắng, dự luật trao PNTR cho VN sẽ được thông qua trước ngày Quốc hội Mỹ nghỉ hè, "mở ra chương mới hướng tới tương lai" trong quan hệ song phương Mỹ - Việt, đem lại lợi ích nhiều mặt cho cả hai quốc gia. TNS Gordon Smith cũng bày tỏ: "Với tư cách là một doanh nhân, tôi đã chứng kiến thương mại có thể thay đổi cuộc sống của người Mỹ và thế giới như thế nào. Việc VN gia nhập WTO cũng giúp đảm bảo điều đó". Ông khẳng định sẽ làm việc với các đồng nghiệp ở Hạ viện, Thượng viện cùng với chính quyền và tất cả các bên liên quan để thông qua dự luật lịch sử này trước tháng 8. Nhiều đại diện các DN Mỹ trong "Liên minh ủng hộ VN gia nhập WTO" tỏ ý vui mừng trước sự kiện này; tỏ ý tin tưởng với sự ủng hộ của cả hai đảng trong Quốc hội, dự luật sẽ nhanh chóng được thông qua, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc kết nạp VN vào WTO.

Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi hồi vận động Quốc hội Mỹ thông qua Hiệp định Thương mại song phương VN - Hoa Kỳ (BTA) năm 2001, việc vận động hành lang Quốc hội Mỹ chủ yếu là do "người Mỹ vận động người Mỹ". "Người Mỹ" ở đây là các nghị sĩ ủng hộ VN, đông đảo cộng đồng DN, các chính khách có thế lực, các cá nhân, các tổ chức phi chính phủ ủng hộ VN và dĩ nhiên là hành pháp Mỹ. Chiến thuật này tỏ ra rất hiệu quả.

(Ông Nguyễn Đình Lương, Trưởng đoàn đàm phán BTA)

Ông Andre Sauvageot, từng là đại diện của hãng GE tại VN, nay là nhà tư vấn cho một số DN Mỹ làm ăn với VN, tỏ ra rất phấn khởi trước sự hiện diện đông đảo của các nghị sĩ Mỹ, đại diện các DN Mỹ trong cuộc gặp. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều người am hiểu "nội tình" Quốc hội Mỹ, ông Sauvageot có đôi chút lo ngại rằng từ nay đến tháng 8, thời gian còn lại quá ngắn, trong khi cơ quan lập pháp lại có quá nhiều vấn đề phải giải quyết trước khi nghỉ hè. Theo ông Sauvageot, chính quyền Mỹ còn đang thúc đẩy việc thông qua hiệp định thương mại với Oman và Peru nên muốn Quốc hội Mỹ thông qua "cả gói". Tuy nhiên, ông Sauvageot cho rằng Oman và Peru có những "ưu tiên chính trị" với Nhà Trắng, nhưng thực chất "VN có tầm quan trọng hơn nhiều, không chỉ về kinh tế, thương mại, mà còn những khía cạnh khác".


Ký kết thỏa thuận đàm phán WTO Việt - Mỹ ngày 31.5 tại TP.HCM - ảnh: D.Đ.M

Có mặt trong cuộc gặp, Đại sứ Susan Shwab, Trưởng đại diện Thương mại Mỹ (USTR), nói rằng việc Mỹ và VN đạt được thỏa thuận về việc gia nhập WTO của VN, "không phải là món quà Mỹ tặng cho VN hay VN tặng cho Mỹ", mà nó tạo ra khuôn khổ hợp tác đa phương mới đem lại lợi ích cho cả hai bên. Trao PNTR cho VN là bước đi tất yếu, cuối cùng của tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ với một đối tác quan trọng. Bà Shwab thúc giục Quốc hội Mỹ "có hành động nhanh chóng" thông qua dự luật này, vì đó là "lá phiếu rõ ràng ủng hộ tự do hóa mậu dịch" và biến cơ hội đó thành hiện thực.

Có 8 TNS và 22 HNS đồng bảo trợ cho dự luật thông qua  PNTR cho VN mang số hiệu S.3495. Buổi giới thiệu dự luật có sự tham gia của Trưởng đại diện Thương mại Mỹ Susan Schwab, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Việt - Mỹ Virginia Foote; phía VN có Đại sứ VN tại Mỹ Nguyễn Tâm Chiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh.

Dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Tâm Chiến phát biểu khẳng định PNTR sẽ góp phần tạo dựng một tương lai tươi sáng hơn cho cả hai nước. Ông ngỏ lời cám ơn các nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã đóng góp tích cực cho tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, đem lại lợi ích nhiều mặt cho nhân dân hai nước.

Quốc hội Mỹ sẽ thông qua PNTR cho VN như thế nào ?

Thông thường một thủ tục thông qua PNTR của Quốc hội Mỹ cho một quốc gia có nhiều giai đoạn và khoảng thời gian hoàn toàn không giống nhau, chủ yếu dựa vào lịch làm việc của Quốc hội Mỹ và vấn đề quan hệ của Mỹ với quốc gia đó. Trường hợp gần đây nhất, trong tháng 4 vừa qua, cả hai viện Quốc hội Mỹ đã thông qua PNTR cho Ukraine trong vòng một tuần kể từ ngày hai nước kết thúc đàm phán song phương WTO.

Với VN, vấn đề ưu tiên có thể cũng được đặt khá cao do đòi hỏi của cộng đồng DN Mỹ, chính quyền Mỹ, và đặc biệt là sức ép về mặt thời gian nếu VN muốn gia nhập WTO trong năm nay - chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa Quốc hội Mỹ sẽ nghỉ hè.

Về mặt thủ tục, dự luật PNTR cho VN đã được trình lên Ủy ban Tài chính Thượng viện, Ủy ban Ngân sách và Thuế vụ của Hạ viện. Tại đây sẽ có các cuộc thảo luận và điều trần về dự luật, nói cách khác là thảo luận về tổng thể quan hệ song phương hai nước. Tất cả các thành phần tham dự bao gồm các quan chức chính quyền, DN, các nghiệp đoàn, các tổ chức phi chính phủ... Thông thường thủ tục này sẽ kéo dài 2 - 3 tuần. Sau đó sẽ có một cuộc bỏ phiếu tại hai ủy ban và trình lên toàn thể Hạ viện, Thượng viện (bỏ phiếu đa số). Tại đây, toàn thể Hạ viện, Thượng viện tiếp tục thảo luận và bỏ phiếu biểu quyết thông qua. Hạ viện Mỹ hiện nay (khóa 109) có 435 HNS trong đó 231 HNS Cộng hòa, 201 HNS Dân chủ, một HNS độc lập, hai ghế trống. Tại Thượng viện có 100 TNS, trong đó 55 TNS Cộng hòa, 44 TNS Dân chủ và 1 TNS độc lập.

Dự luật này là dự luật "mở" nên tại các ủy ban tại Quốc hội hay toàn thể Quốc hội, các nghị sĩ có thể đề nghị sửa đổi. Theo luật Mỹ, dự luật này sẽ được Quốc hội Mỹ thảo luận và bỏ phiếu không quá 60 ngày sau đó sẽ chuyển lại cho tổng thống ký thành công báo "Gia hạn vĩnh viễn Quy chế thương mại bình thường cho Việt Nam".

Dự luật mang số hiệu S.3495 tại Thượng viện có chủ đề "Trao quyền đối xử không phân biệt đối với các sản phẩm của VN". Ở khoản 3 của dự luật nói về tiến trình quan hệ Việt - Mỹ, khoản 8 nói về sự hợp tác giữa VN với Mỹ trên vấn đề quân nhân Mỹ mất tích, khoản 16 ca ngợi các nỗ lực cải cách kinh tế của VN, khoản 22 nói về tiến trình gia nhập WTO của VN.

Xuân Danh

Khang Hoa
(từ Washington D.C)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.