Quyền sở hữu trí tuệ về tên thương mại và cạnh tranh không lành mạnh

28/09/2019 12:00 GMT+7

Kể từ khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đến nay, Việt Nam đã thành công trong việc khẳng định là thành viên có trách nhiệm của tổ chức này.

Khung pháp lý cho việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế khu vực và thế giới, các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ với mục đích cạnh tranh không lành mạnh ngày càng trở nên đa dạng.
Nêu quan điểm về ''Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ về tên thương mại và nhãn hiệu với mục đích cạnh tranh không lành mạnh'', luật sư Đặng Kim Ngân Hà cho hay: Vai trò trung tâm của tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ là không thể phủ nhận. Nghiên cứu và phân tích các vụ việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ được xét xử gần đây có thể ghi nhận xu hướng này, ví dụ cụ thể: trong các vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ về tên thương mại và nhãn hiệu vài năm gần đây, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại thành phố H đã bác đơn kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm tuyên buộc bị đơn không được sử dụng tên thương mại có chứa thành phần gây nhầm lẫn với tên thương mại trong cùng lĩnh vực kinh doanh của nguyên đơn, bị đơn có trách nhiệm tiến hành thủ tục đổi tên công ty để không còn chứa thành phần gây nhầm lẫn nêu trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn, việc sử dụng thành phần gây nhầm lẫn trong tên thương mại của bị đơn cũng sẽ gây nhầm lẫn với tên thương mại doanh nghiệp và logo của nguyên đơn, từ đó gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Luật sư Đặng Kim Ngân Hà

Luật sư Đặng Kim Ngân Hà

Bên cạnh đó, các cơ quan hành chính có thể thay thế một phần vai trò của tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực thi quyền sở hữu trí tuệ, ví dụ cụ thể: các vụ khiếu nại tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ về tên thương mại và nhãn hiệu lên Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ xảy ra khá nhiều tại Việt Nam và số vụ được khiếu nại ngày càng tăng vài năm gần đây, theo kết luận của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đối với trường hợp cả hai công ty hoạt động cùng lĩnh vực kinh doanh, hoạt động tại cùng một địa bàn và cùng có tên thương mại có chứa thành phần gây nhầm lẫn, đáng chú ý là cả hai công ty thành lập hoàn toàn hợp pháp theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp. Xét về Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), xác định tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh và khu vực kinh doanh. Kết cấu của tên thương mại gồm hai phần: Phần mô tả và phần phân biệt (tên riêng). Để được công nhận là tên thương mại của tổ chức, cá nhân cần phải đáp ứng 3 điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 78 Luật SHTT về khả năng phân biệt. Đó là: 1) Chứa thành phần tên riêng để phân biệt; 2) Không trùng và tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước đó; 3) Không trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với tên thương mại của người khác đã sử dụng trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Xét dưới góc độ tên thương mại theo quy định của Luật SHTT thì tên thương mại của hai công ty có chứa thành phần trùng phần tên. Hai công ty này lại cùng kinh doanh trong một lĩnh vực và cùng địa bàn kinh doanh. Từ đó cho thấy, hai công ty này trùng nhau về tên thương mại. Xét về thời gian đăng ký hoạt động, công ty ra đời trước đã hoạt động với tên thương mại đến hơn 10 năm, công ty ra đời sau với thời gian hoạt động ít hơn. Như vậy, công ty ra đời sau có dấu hiệu vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 129 Luật SHTT về đặt tên thương mại có thành phần trùng với thành phần tên của công ty ra đời trước. Đó là, mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại (bao gồm nhãn hiệu, tên thương mại, nhãn hàng, slogan, logo, bao bì) trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã sử dụng trước đó cho cùng loại sản phẩm/dịch vụ hoặc sản phẩm/dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại. Do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra quyết định kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thay đổi tên đã cấp cho công ty ra đời sau, đồng thời làm việc yêu cầu công ty ra đời sau thực hiện tháo dỡ bảng hiệu và thay đổi tên doanh nghiệp.
Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp lấy chính tên doanh nghiệp và logo của doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và/hoặc bảo hộ như một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Trong trường hợp này vì các dấu hiệu trên dù được bảo hộ theo các đối tượng khác nhau của quyền sở hữu trí tuệ nhưng thuộc quyền sở hữu của một doanh nghiệp duy nhất nên đều được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo hộ và trong trường hợp này không xảy ra hiện tượng xung đột về quyền và lợi ích trong bảo hộ đồng thời các đối tượng trên. Đây chính là hiện tượng bảo hộ “chồng lấn” trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Như vậy, hiện tượng “chồng lấn” trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ xảy ra khi cùng một đối tượng nhưng được chủ sở hữu (một chủ thể duy nhất) đăng ký bảo hộ dưới các đối tượng khác nhau của quyền sở hữu trí tuệ.
Đối với trường hợp tên thương mại của một doanh nghiệp trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại và/hoặc nhãn hiệu và/hoặc một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng đã được bảo hộ của chủ thể khác, pháp luật sở hữu trí tuệ ghi nhận nguyên tắc tôn trọng quyền được xác lập trước. Liên quan đến nhãn hiệu và tên thương mại, trên thực tế thì quyền sở hữu công nghiệp đối với đối tượng nào được xác lập sau có thể sẽ bị hủy bỏ hoặc bị cấm sử dụng. Trong trường hợp tên thương mại chứa đựng yếu tố xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và/hoặc một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng đã được bảo hộ, chủ sở hữu nhãn hiệu và/hoặc một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có quyền yêu cầu tòa án cấm bên vi phạm sử dụng tên thương mại đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.