Rác độc hại bán cho ai?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
05/11/2018 06:56 GMT+7

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng, 58% phế liệu tồn tại cảng là hàng lậu có thể xử lý “nhẹ bâng” trong vòng 2 tháng.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Hà, trong số các container lưu ở các cảng thì có đến 58% không có giấy tờ hợp pháp, không đủ điều kiện nhập khẩu. Đây chính là những container nhập lậu. “Chúng ta nói là chưa có chủ nhưng chắc chắn là có chủ. Như vậy, cần cơ quan điều tra vào cuộc và hoàn toàn có biện pháp để xử lý.
Phế liệu tồn tại cảng Cát Lái Ảnh: N.Nga
phế liệu

Cần lựa chọn các doanh nghiệp (DN) có năng lực để xử lý. Và việc xử lý này, tôi cho rằng nhà nước không phải bỏ ra đồng nào, bởi vì trong đó vẫn có hàng hóa, có phế liệu. Các DN có thể phân loại xử lý chất thải theo đúng quy định và được sử dụng hàng hóa đó để bán đấu giá, để một phần bù đắp cho nhà nước, một phần để xử lý chất thải”, ông Trần Hồng Hà nêu quan điểm và hứa nếu theo cách ông giải quyết thì chỉ mất 2 tháng để giải phóng cảng hết rác, phế liệu nhập lậu.
Nói cho qua chuyện?
Trực tiếp điều hành tại các cảng đang tồn đọng hàng ngàn container rác phế liệu lớn nhất nước, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cho rằng nếu cơ quan hải quan không chủ động kiến nghị cấp thiết siết giấy phép nhập khẩu phế liệu, ngưng cho nhập phế liệu vì mục đích thương mại… thì 58% phế liệu vô chủ đang tồn tại cảng này có thể đã được tuồn vào VN trót lọt một cách hợp pháp qua những “bảo bối” là giấy phép được các sở TN-MT và Bộ TN-MT cấp trước đó.
Nếu là rác, ai mua rác độc hại để chúng ta bán?

Chuyên gia logistics Nguyễn Lý Trường An


Ông Thắng nói thẳng: Trong 58% phế liệu tồn tại cảng theo thống kê của cơ quan quản lý môi trường, phần lớn là của những DN đã từng được Bộ TN-MT cấp giấy chứng nhận bảo đảm điều kiện về môi trường, kho bãi, cơ sở vật chất, năng lực... để nhập khẩu phế liệu về sản xuất. Họ đã nhập hàng lâu nay, giấy phép được cấp và tái cấp gia hạn nhiều lần. Tuy nhiên, sau khi các DN nhập phế liệu không để sản xuất không được cấp phép, các DN này không được gia hạn giấy phép. Do đó, họ không lấy hàng về được dẫn đến tồn hàng loạt.
Chuyên gia môi trường Phan Văn Hiện nhận định, việc cấp giấy phép đủ điều kiện bảo vệ môi trường của Bộ TN-MT trước đây khá dễ dãi, nếu không nói là quá ẩu. Bằng chứng là 50% trong số 200 DN được cấp phép nhập là DN không có nhu cầu dùng phế liệu để sản xuất. “Rác phế liệu đã được tuồn vào VN trước khi có Chỉ thị 27 của Chính phủ. Để DN nhập về trước không có giấy phép, hải quan không cho nhận, ngay lập tức DN từ chối, bảo không phải hàng của mình. Rồi theo đó, Bộ cũng cho là DN không đủ điều kiện luôn. Vậy là quá vô lý”, chuyên gia Phan Văn Hiện nêu quan điểm và cho rằng, ngay cả việc vị đứng đầu Bộ TN-MT bảo xử lý phế liệu tồn đến 15.000 container tại các cảng cả nước chỉ trong vòng 2 tháng bằng hình thức cho bán thu tiền về xử lý, nhà nước không mất đồng nào là “nói cho qua chuyện”.
Đánh đồng phế liệu và phế thải
Chuyên gia logistics Nguyễn Lý Trường An cho rằng: Trước mắt, cần xử lý rốt ráo các giấy phép đã được cấp trong thời gian qua, sau đó mới tiến hành rà soát quy trình cấp phép. Bộ TN-MT không thể đánh đồng phế liệu và phế thải trong xử lý để “quên” trách nhiệm cấp phép tràn lan trước đây gây hậu quả như hiện nay. "Nếu là rác, ai mua rác độc hại để chúng ta bán? Giải pháp trước mắt hay lâu dài vẫn là người nhập và người chở chịu trách nhiệm. DN có đứng tên trên vận đơn, từng nhập trước đây, nay không có phép phải chịu xử lý phế liệu tồn đó", chuyên gia này nói.
Đồng quan điểm, ông Đinh Ngọc Thắng cho biết, chi phí để xử lý một container phế liệu khoảng 50 triệu đồng phải do chính DN chủ nhân của hàng phế thải đang tồn tại cảng chịu. Ông Thắng cũng cho rằng, Bộ TN-MT đang đánh đồng khái niệm hàng phế liệu và phế thải là một trong trình bày cách xử lý. Trong khi hàng phế thải không thể bán để thu tiền và nếu mang đi đổ trên lãnh thổ VN đều có tội với thế hệ sau.
"Xét về định tính, bán phế liệu đi để thu tiền về xử lý phế liệu tồn nghe có vẻ hợp lý. Nhưng đây là cách giải quyết như hợp thức hóa cho phế liệu lậu, rác phế thải ảnh hưởng đến môi trường mà không ai chịu trách nhiệm cả. Đó cũng chính là lý do khiến chúng tôi kiến nghị phải siết. Theo tôi, cần có tổ chức liên ngành xử lý vấn đề này. Cần thiết quản lý dứt điểm vấn đề này chứ để DN nhập phế liệu lậu, rồi cho DN mua lại hàng phế liệu đó sẽ tạo tiền lệ rất xấu, sau này khó quản lý hơn”, ông Thắng nêu quan điểm.
“Từ trước tháng 6 năm nay, chính hải quan kiến nghị giám định lại, không cho dỡ hàng khai báo phế liệu xuống cảng ngay vì phát hiện rác thải bị tuồn vào VN quá dễ qua giấy phép hết hạn, hàng về trước bổ sung giấy phép sau... Cũng chính cơ quan hải quan kiến nghị khởi tố các trường hợp vi phạm nghiêm trọng trong gian dối giấy tờ nhập khẩu phế liệu. Nếu không làm chặt chẽ, lượng rác khổng lồ này đã ung dung đi vào nhà máy và thải ra môi trường trong nước mà không ai hay”, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.