Sang tên 'sổ đỏ' sẽ bị đánh thuế

22/09/2017 07:12 GMT+7

Từ chỗ không chịu thuế, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế chuyển quyền sử dụng đất khi sửa đổi luật Thuế giá trị gia tăng. Nếu được chấp thuận, giá bất động sản dự báo sẽ tăng.

Quyền sử dụng đất không phải là hàng hóa
Theo tờ trình chỉnh sửa luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án tăng thuế suất thuế GTGT từ mức 10% hiện nay lên 12% từ ngày 1.1.2019; hoặc tăng theo lộ trình lên 12% kể từ ngày 1.1.2019 và 14% từ 1.1.2021. Trong đó phương án tăng từ 10% lên 12% từ ngày 1.1.2019 được đề nghị cân nhắc. Như vậy chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ) nếu đưa vào diện chịu thuế GTGT sẽ áp dụng mức thuế suất là 12%.
Sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc mua nhà của người dân, nhất là dân nghèo
Ông Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hung Thinh Corp., lập luận ở VN đất đai chưa được xem là hàng hóa, cho nên thuật ngữ khi giao dịch pháp lý trên thị trường dùng là “chuyển nhượng QSDĐ” chứ không gọi là “bán đất”. Chính vì vậy từ trước đến nay luật Thuế GTGT không xem QSDĐ là đối tượng chịu thuế. Do đó, đề xuất đánh thuế hoạt động chuyển QSDĐ là không phù hợp với bản chất chung của pháp luật chứ không riêng gì luật Thuế GTGT. Cùng quan điểm, ông Phan Vũ Hoàng - Phó tổng giám đốc dịch vụ tư vấn thuế Deloitte VN, cho hay theo định nghĩa về hàng hóa quy định tại luật Thương mại, QSDĐ không thỏa mãn điều kiện để được coi là hàng hóa, do đó không thuộc đối tượng điều chỉnh thuế GTGT. Đất được coi là tài sản đặc biệt, không được sản xuất, lưu thông, tiêu dùng như một hàng hóa bình thường. QSDĐ là quyền về pháp lý, do đó việc coi QSDĐ không phải hàng hóa và liệt kê vào đối tượng không chịu thuế GTGT là phù hợp tinh thần luật thuế hiện hành.
Giá bất động sản sẽ tăng
Ông Nguyễn Đình Trung cho biết cơ cấu một sản phẩm bất động sản (BĐS) đã bao gồm nhiều loại thuế và phí. Các loại vật liệu, vật tư đầu ra đều đã chịu thuế GTGT vào cấu thành giá sản phẩm. Do đó, nếu đánh thuế GTGT chuyển QSDĐ là đánh thẳng vào người tiêu dùng. Đề xuất này cũng dễ dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế, từ đó đẩy giá bán BĐS tăng lên, làm ảnh hưởng đến quyết định giao dịch của người mua khiến thị trường cũng bị ảnh hưởng.
Theo tính toán của ông Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM, giá trị QSDĐ đối với căn hộ chung cư chiếm khoảng 20 - 30%, nếu phần này chịu thuế GTGT thì mức tăng giá nhà vào khoảng 2 - 3%. Còn đối với nhà phố, mức tăng giá sẽ mạnh hơn. Đó là chưa tính đến mức tăng thuế GTGT đối với vật liệu xây dựng từ 10% lên 12%. Nếu tính tổng mức tăng thuế thì giá nhà đất sẽ tăng lên nhiều hơn mức trên. Người cuối cùng chịu phần tăng thêm này không ai khác là khách hàng.
Ông Bùi Quang Tín nhận định Nghị quyết Quốc hội vừa đưa ra để giải quyết nợ xấu, chủ yếu là BĐS. Chính sách thuế này đưa ra sẽ làm cho giá BĐS tăng lên, tác động đến người mua cuối cùng và sẽ làm chậm lại quá trình xử lý nợ xấu. “Giải quyết nợ xấu giúp thị trường chạy nhanh lên, tạo thanh khoản cho dòng tiền thì với chính sách này, thị trường sẽ chậm lại và việc xử lý nợ xấu cũng chậm theo. Ngoài ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc mua nhà của người dân, nhất là dân nghèo”, ông Tín nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), tính toán, đối với căn hộ chung cư, tiền sử dụng đất chiếm từ 8 - 15%, nhà phố khoảng 30% và biệt thự khoảng 50%. Nếu áp dụng thuế suất GTGT 10% đối với căn hộ chung cư, giá nhà sẽ tăng khoảng 1,5%, nhà phố 3% và biệt thự 5%. HoREA kiến nghị không áp dụng thuế GTGT khi chuyển QSDĐ. "Việc đề xuất tăng thuế GTGT từ 10% lên 12% sẽ dẫn đến mặt bằng giá nguyên nhiên vật liệu, nhận thầu thi công, nhân công... tăng, giá bán nhà tăng lên. Cho nên đề xuất áp dụng đánh thuế GTGT lên QSDĐ cần hết sức cẩn trọng", ông Châu khuyến cáo.
Một số loại thuế, phí khi người dân chuyển nhượng BĐS
Thuế thu nhập cá nhân: 2% trên giá chuyển nhượng
Lệ phí trước bạ đối với nhà, đất: 0,5%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.